Cứu vãn tình thế
Các nhà ngoại giao cho biết động thái trên diễn ra sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất khối tiếp quản công việc từng được nhóm Ramstein - liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu - đảm trách. Ông Stoltenberg cũng đề xuất một quỹ trị giá 100 tỷ EUR (khoảng 108 tỷ USD) để hỗ trợ quân đội Ukraine trong vòng 5 năm. Đề xuất này chỉ có hiệu lực khi các nước thành viên NATO đồng thuận.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại Brussels ngày 3-4, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh: “Đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, mối liên kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ quan trọng hơn bao giờ hết”. Ông Stoltenberg cũng khẳng định NATO sẽ tiếp tục củng cố liên minh và sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác trên toàn cầu vì hòa bình và an ninh.
Cho đến nay, với tư cách liên minh quân sự, NATO chỉ tập trung gửi viện trợ không gây sát thương tới Ukraine, trong khi các thành viên của khối viện trợ vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine theo phương thức hợp tác song phương. Theo các nhà ngoại giao, ngày càng có nhiều ý kiến trong NATO cho rằng đã đến lúc cần cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine theo cơ chế bền vững và lâu dài hơn.
Cùng lúc này, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Luttwak đăng nhận định trên cổng thông tin Internet UnHerd cho biết: “Anh và Pháp, cùng với các nước Bắc Âu, đã bí mật chuẩn bị gửi quân, cả các đơn vị tinh nhuệ nhỏ và nhân viên hỗ trợ”.
Theo chuyên gia này, các nước NATO sẽ sớm phải đưa quân tới Ukraine, vì Kiev không có đủ nhân lực quân sự. Nếu không, liên minh sẽ buộc phải chấp nhận một “thất bại thảm hại”. Theo ông Luttwak, quân NATO không nhất thiết phải tham gia chiến đấu, họ chỉ cần đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện tân binh và sửa chữa thiết bị, để các đồng nghiệp Ukraine rảnh tay và tập trung nhiệm vụ chiến đấu.
Nga không ngồi yên
Cũng trong ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ tham gia hội nghị bàn tròn chủ đề Ukraine tại Học viện Ngoại giao, quy tụ các đại sứ đến từ hơn 70 quốc gia Đông và Nam bán cầu. Chủ đề hội nghị mang tên “Cuộc khủng hoảng Ukraine: Luật pháp và Nhân quyền”. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các cuộc họp như vậy là quan trọng, cho phép “thảo luận cởi mở về các vấn đề hiện tại trong cuộc xung đột ở Ukraine với các thành viên của đoàn ngoại giao”.
Ông S.Lavrov dự kiến sẽ đặt ra các câu hỏi liên quan đến các cuộc tấn công mới nhất của Kiev vào lãnh thổ Nga và kết quả các cuộc điều tra của Nga. Cuộc thảo luận có thể sẽ tập trung vào vụ tấn công khủng bố gần đây vào Nhà hát Crocus City Hall và các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ giáp biên giới của Nga.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích khả năng triển khai binh sĩ các nước tới Ukraine là không thể chấp nhận được. Ông Grushko nhấn mạnh: “Những tuyên bố như vậy cho thấy sự sẵn sàng đi theo con đường leo thang vào thời điểm mà chính phương Tây đang phải chịu thất bại chiến lược trên thực địa”.