Biến chủng Delta gây khó
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chững lại vào tháng 8 một phần do các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19 cùng với nhiều trận lũ lớn cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 8 tăng trưởng chậm hơn dự kiến sau khi phục hồi mạnh mẽ nhờ tăng trưởng xuất khẩu và sản lượng công nghiệp. Ngoài ra, gần đây Chính phủ Trung Quốc chủ trương kìm hãm đà tăng trưởng nóng của các ngành công nghiệp và bất động sản. Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc còn 8,3% cho cả năm 2021 so với mức dự báo 8,8% trước đó.
Tại Mỹ, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, nền kinh tế nước này tăng trưởng 6% trong năm 2021 thay vì 6,4% như dự báo trước đó. Nguyên nhân không có gì khác ngoài lý do biến chủng Delta có khả năng làm tăng giá hàng hóa vì hạn chế về nguồn cung. Nhóm nghiên cứu của Goldman Sachs cho rằng, chi tiêu cho ăn uống, đi lại và một số dịch vụ khác có thể sẽ suy yếu trong những tháng cuối năm.
Cũng như kinh tế Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi trong quý 2-2021. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã tăng trưởng với tốc độ 1,3% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 sau khi giảm 0,9% trong quý 4-2020. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng tiếp theo có vẻ mờ nhạt khi nước này phải vật lộn với đợt bùng phát biến chủng Delta tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Hiện chỉ gần 40% dân số Nhật Bản được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia phát triển khác. Các nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Nhật Bản sẽ không phục hồi tốt cho đến khi phần lớn người dân được tiêm phòng.
Kỳ vọng vào tăng trưởng xanh
Nhà kinh tế Tây Ban Nha Stuart Medina Miltimore tin rằng, EU, đặc biệt là ở Nam Âu, sẽ phải vật lộn để quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch. GDP của EU tăng 13,2% vào quý 2-2021 so với cùng kỳ năm 2020 và 1,9% so với quý 1. Nhưng không giống như Mỹ, GDP của EU vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Biến chủng Delta hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho các hoạt động phục hồi kinh tế của EU, trong đó Pháp đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại.
Mặc dù vậy, tăng tưởng xanh vẫn được EU đặt ưu tiên cao trong phục hồi kinh tế. Mùa hè này, một số quốc gia châu Âu đã phải hứng chịu những trận cháy rừng và lũ lụt chưa từng có, làm thiệt mạng hàng trăm người, gây thiệt hại hàng tỷ USD và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, sức khỏe. Đây được xem là hậu quả của biến đổi khí hậu. EU hiện đang thực hiện Chiến lược đa dạng sinh học và Thỏa thuận xanh năm 2030 với sự phát triển liên tục của luật phục hồi thiên nhiên. EU và 27 quốc gia thành viên là lực lượng hùng hậu đạt được nhiều tiến bộ trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Với vai trò chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G2), Italy mới đây đã có những nỗ lực tổ chức nhiều diễn đàn về biến đổi khí hậu, đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, trong đó có việc nối lại đối thoại về khí hậu bị tạm dừng do đại dịch và nỗ lực đặt ra các mục tiêu chung về khí hậu cho các quốc gia có quan điểm khác nhau về các vấn đề kinh tế xanh. Tất cả các nỗ lực của Italy sẽ được đưa vào chương trình nghị sự đa phương ở Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11-2021.