Những con số báo động
Tháng 9-2015, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hướng tới xóa đói giảm nghèo, chống bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Sử dụng dữ liệu và ước tính mới nhất hiện có, LHQ đã thực hiện báo cáo “Mục tiêu Phát triển bền vững 2023: Phiên bản đặc biệt”, qua đó đưa ra đánh giá toàn diện về tiến trình triển khai các mục tiêu SDG.
Báo cáo chỉ ra rằng các tác động tổng hợp của khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột tại Ukraine, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự yếu kém có hệ thống và cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu SDG. Theo báo cáo, 50% trong số 140 mục tiêu có thể được đánh giá, đã cho thấy sự chệch hướng vừa phải hoặc nghiêm trọng; hơn 30% trong số mục tiêu này không ghi nhận sự tiến triển nào, thậm chí còn thụt lùi so với mức cơ sở của năm 2015.
LHQ cũng chỉ rõ những tác động của đại dịch Covid-19 đã cản trở tiến bộ ổn định trong 3 thập niên về giảm nghèo cùng cực, khi số người sống trong cảnh nghèo khó cùng cực đã gia tăng lần đầu tiên trong 1 thế hệ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, LHQ cảnh báo đến năm 2030, có 575 triệu người sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực. “Thật sự sốc khi biết rằng thế giới đang quay trở lại mức độ đói chưa từng thấy kể từ năm 2005. Khoảng 2,3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng trong năm 2021 và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn là mối quan tâm của toàn cầu”, báo cáo có đoạn viết.
Uớc tính, đến năm 2030, có 84 triệu trẻ em và thanh niên sẽ không được đến trường. Cũng theo báo cáo, chính những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này.
Phải cùng hành động
Báo cáo đồng thời nhấn mạnh thành quả tích cực trong một số lĩnh vực kể từ năm 2015 đã cho thấy tiềm năng của những tiến bộ hơn nữa. Cụ thể, tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021, khi có thêm khoảng 800 triệu người đã tiếp cận với mạng lưới điện. Số người sử dụng internet đã tăng 65% kể từ năm 2015, lên 5,3 tỷ người được kết nối mạng vào năm 2022. Những thành tựu phát triển quan trọng như vậy chứng tỏ rằng thế giới có thể đạt được bước đột phá để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người thông qua sự kết hợp giữa hành động tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ, cũng như việc sử dụng hiệu quả các công nghệ, nguồn lực và kiến thức sẵn có.
Trong báo cáo, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, con người đang ở thời điểm của sự thật và sự cân nhắc. Ông Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên biến năm 2023 thành thời điểm bắt đầu cho sự tiến bộ về các mục tiêu SDG, qua đó tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả người dân.
Hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu
Tại Diễn đàn Huy động tài chính Mỹ - Anh diễn ra ở Anh ngày 10-7, các nhà lãnh đạo tài chính, doanh nghiệp và tổ chức nhân đạo đã cam kết dành hơn 2 tỷ USD cho các hoạt động giảm lượng khí thải CO2, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Đáng chú ý là việc thiết lập nguồn vốn mới giữa các tập đoàn Builders Vision, Mitsui & Co và Renewable Resources Group Partnership, nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu lên các chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, năng lượng và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Đại diện các tập đoàn trên cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào các dự án ban đầu tại thị trường mới nổi, ứng dụng phương pháp tự nhiên như canh tác tái tạo và quản trị bền vững nguồn nước, phát triển sản phẩm và hệ thống giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
ĐỖ CAO