Các luật sư đề nghị trả tự do cho bị cáo Lê Thị Dung

Sáng 13-6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung (52 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) và Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, nguyên Kế toán Trung tâm) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Lê Thị Dung (trái) và Nguyễn Thị Hương tại tòa

Bị cáo Lê Thị Dung (trái) và Nguyễn Thị Hương tại tòa

Trong buổi sáng, HĐXX dành phần lớn thời gian cho các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung.

Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư Quảng Ninh) cho rằng, đây là vụ án oan. Ngay từ đầu bị cáo Lê Thị Dung đã kêu oan, việc kêu oan đã đến Quốc hội, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Theo luật sư Ninh, bản án sơ thẩm nhận định nhiều điểm sai pháp luật. Đơn cử như cố tình xem Trung tâm Giáo dục thường xuyên như cơ sở giáo dục phổ thông, từ đó áp dụng Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT để cho rằng bị cáo Dung không gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở GD-DDT là sai quy định. Trong khi điều 2 thông tư này không đề cập đối tượng là Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Bị cáo Dung không có động cơ cá nhân trong xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Việc xây dựng quy chế này công khai, minh bạch, thông qua hội nghị công nhân viên chức.

Luật sư Ninh cho rằng, việc cố tình biến Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành cơ sở giáo dục là hoàn toàn sai luật, cố tình “gọt chân cho vừa giày”.

Luật sư Ninh nhấn mạnh: “Một ai đó cố tình lẫn lộn là có tội với cô Dung, là vi phạm Điều 13 Luật Tố tụng Hình sự về suy đoán vô tội”.

Luật sư Ninh khẳng định, bị cáo Dung không làm trái công vụ, không có bị hại. Toàn bộ hành vi ký duyệt chi tiêu không cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Từ các phân tích, luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả tự do ngay cho bị cáo Dung.

Luật sư Hoàng Thị Phương (Đoàn luật sư Quảng Ninh) đồng quan điểm với luật sư Ninh cho rằng, loại hình Trung tâm Giáo dục Thường xuyên khác giáo dục phổ thông, giám đốc trung tâm không phải là hiệu trưởng. Về mặt tài chính, Trung tâm Giáo dục thường xuyên “tự chủ tự chịu”, không giống giáo dục phổ thông nên không thuộc điều chỉnh của Thông tư 28. Cấp sơ thẩm đã cố tình “gọt chân cho vừa giày”.

Luật sư Phương cũng cho rằng, cấp sơ thẩm đã cố tình lẫn lộn các chế độ phụ phí, phụ cấp với chế độ tiền lương, tiền công,… từ đó buộc tội bị cáo Dung nhận tiền 2 lần. Quá trình thu thập tài liệu, điều tra viên chỉ thu thập tài liệu buộc tội, không thu thập tài liệu gỡ tội. Trên các cơ sở phân tích, luật sư Phương đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án, trả tự do ngay cho bị cáo Dung tại tòa.

Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã phân tích các lỗi về văn bản quy phạm pháp luật trong các quyết định khởi tố, phê chuẩn khởi tố của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát huyện Hưng Nguyên. Luật sư Hằng đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 1 Điều 359 Luật Tố tụng Hình sự để hủy án sơ thẩm, trả tự do cho bị cáo Dung.

Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư Hà Nội) đặt câu hỏi, có hay không việc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án? Luật sư này cũng đề nghị tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Dung vì “phiên tòa còn kéo dài”.

Tin cùng chuyên mục