Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về chất lượng môi trường, nhân lực ở Việt Nam

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2019 với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) trong phát triển nhanh và bền vững”, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về chất lượng môi trường, nhân lực ở Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2019 với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) trong phát triển nhanh và bền vững” vừa chính thức khai mạc sáng nay 10-1, tại Hà Nội. 

Đây là diễn đàn thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp.

Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều giữa các lĩnh vực.

Trong đó, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai nội dung được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất. Ngược lại, vấn đề về phá sản doanh nghiệp, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.

Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%.

Ở lĩnh vực thuế, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Ở lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan: các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục.

Đáng lưu ý, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, với cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp đồng ý). Có tới 39% doanh nghiệp cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.

Một điểm sáng năm 2019, theo các doanh nghiệp, là thực tiễn làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được cải thiện tốt. Tuy nhiên, việc thiếu công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin về đất đai đang trở thành vấn đề lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp;

Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, sau 5 năm giảm liên tục (từ 60% năm 2013 xuống 36% năm 2017) thì năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp đã tăng trở lại, lên mức 45% năm 2018.

Đáng lưu ý, có một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách giảm liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được thay đổi chính sách tăng từ 42% trong năm 2014 lên 67% trong năm 2018.

Vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm trên tất cả các lĩnh vực, trừ phân bổ nguồn lực đất đai.

Trong khi đó, những thay đổi về chính sách ảnh hưởng trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan ngại về những thay đổi liên quan đến chính sách thuế. Sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao, đặc biệt là trường hợp của thuế tiêu thụ đặc biệt, thực sự ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp là đối tượng của loại thuế này mà còn đối với rất nhiều ngành công nghiệp có liên quan cũng như toàn nền kinh tế.

“Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách thuế cũng cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Sau ông Vũ Tiến Lộc, đại diện của 7 hiệp hội doanh nghiệp, thương mại nước ngoài sẽ phát biểu ý kiến. Tiếp đó, diễn đàn sẽ tiếp tục có 3 phiên thảo luận (về điều tiết cho sự bền vững; phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới) trước khi nghe phát biểu của lãnh đạo Chính phủ.

Chất lượng môi trường của Việt Nam đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham): Trông đợi một hệ thống kỹ thuật số an toàn, có trách nhiệm về y tế

Nhiều thành viên AmCham là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, thiết bị y tế và dịch vụ. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy sự đổi mới y tế để Việt Nam có thể phục vụ các nhu cầu y tế của người dân và thu hút du lịch y tế. Chúng tôi quan ngại về dự thảo các nghị định mới mà có thể hạn chế đáng kể khả năng các nhà hành nghề y nước ngoài cung cấp dịch vụ y tế tại Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể tiếp tục cho phép sự đổi mới và tiếp cận chăm sóc y tế hàng đầu bằng sự tham gia của cả các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Chúng tôi cũng trông đợi một hệ thống kỹ thuật số an toàn, có trách nhiệm khi Việt Nam phải thiết lập công thông tin điện tử về buôn bán dược phẩm, bao gồm các thông tin kinh doanh nhạy cảm của bệnh viện, nhà sản xuất thuốc, nhà thuốc và cơ sở điều trị, cũng như các dữ liệu cá nhân của bệnh nhân về chẩn đoán y tế và phác đồ điều trị được sử dụng.

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về chất lượng môi trường, nhân lực ở Việt Nam ảnh 1 Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng khoảng 5% GDP của Việt Nam sẽ bị mất chỉ riêng do ô nhiễm không khí

AmCham kêu gọi Bộ Y tế và Cục quản lý dược của Việt Nam xem xét sửa đổi Chỉ thị 23 và Quyết định 540 để đảm bảo chính sách an toàn riêng tư và nghiêm ngặt để bảo vệ việc sử dụng và tiếp cận các thông tin cá nhân và nhạy cảm, trở thành một phần của Cổng thông tin dược phẩm Việt Nam (VPP) được đề xuất.

Chúng tôi cũng đề xuất rằng cần phải có sự đồng ý của bệnh nhân trước khi thu thập và sử dụng thông tin y tế của bệnh nhân được lưu trữ trong VPP, mà theo luật hiện hành các thông tin đó được bảo vệ cao như bí mật quốc gia. Khi Việt Nam theo đuổi việc thu thập thông tin kỹ thuật số và sử dụng thông tin, điều bắt buộc là việc sử dụng và lưu trữ phải có biện pháp an toàn và riêng tư để bảo vệ chống lại việc sử dụng không phù hợp và nguy hại.


Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham): Mong muốn Chính phủ Việt Nam có chính sách ổn định chi phí lao động

Một trong những lo ngại của chúng tôi là về nguồn nhân lực. Sự gia tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc ở phía Bắc đang làm tăng sự rò rỉ nhân lực. Đây là một vấn đề đối với các công ty Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, liên quan đến những đề nghị hỗ trợ cấp quốc gia, đặc biệt là khi đầu tư vào khu vực miền Trung, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn vì thiếu nhân lực chất lượng cao và chi phí lao động đang tăng lên.

Về khía cạnh ổn định chi phí lao động, chúng tôi hiện đang sử dụng 6.700 lao động. Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng trong vận hành doanh nghiệp do chi phí lao động tăng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam có chính sách ổn định chi phí lao động tại Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI): Chính phủ Việt Nam nên đặt ra những quy định theo hướng ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp

Ngày càng có nhiều lo ngại về vấn đề ô nhiễm không khí ở cả khu vực nông thôn và thành thị của Việt Nam, là kết quả của việc quá ưu tiên chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm xem xét các biện pháp đối phó chống lại các tác động đến môi trường. Tháng 9 năm 2019, thành phố Hà Nội có “Chỉ số chất lượng không khí” (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là TPHCM ở mức cao thứ ba.

Theo ước tính, khoảng 5% GDP sẽ bị mất do ô nhiễm không khí, hậu quả của giá trị đầu tư suy giảm từ các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh này, cần thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn luật pháp và quy định nhằm góp phần cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong các không gian kín, nơi mọi người dành hầu hết thời gian trong ngày để sinh sống và làm việc nhằm giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe.

Bằng cách tham khảo kinh nghiệm về các quốc gia đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa mà không gây hại tới môi trường, đồng thời thông qua hiểu biết và hỗ trợ từ các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể có được sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và trở thành một hình mẫu cho các nền kinh tế mới nổi khác.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp". Các công ty của Nhật Bản sẵn sàng sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam cũng như các bí quyết để cải thiện môi trường.

Tin cùng chuyên mục