Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, dịch Covid-19 tái phát đã khiến các hãng hàng không mất cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020.
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.
Mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% - 70%, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt máy bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên... Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tiếp tục thâm hụt.
Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 - 4 năm, cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.
Thông tin từ các hãng hàng không cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Bamboo Airways cho biết đã ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I-2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Với Vietjet, tính chung 6 tháng, hãng ghi nhận 9.194 tỷ đồng doanh thu, giảm 54% và lỗ ròng sau thuế 2.112 tỷ đồng.