Ở nhiều nơi thuộc quận Thủ Đức, các điểm ngập cũ vẫn tiếp tục như sông suối, có thể kể đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân… Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng có nhiều đoạn bị ngập sâu do nước thoát không kịp. Như vậy, khi vào giữa mùa mưa hoặc khi mưa kết hợp với triều cường thì tình hình ngập trên địa bàn TPHCM sẽ trầm trọng hơn.
Nạn ngập úng mùa mưa năm nay đã được dự báo từ trước nhưng các giải pháp dường như chưa thực sự đồng bộ và có hiệu quả. Chẳng hạn, tại quận Thủ Đức, các điểm ngập cục bộ trên đường Phạm Văn Đồng gần như không được cải tạo, trong khi các cống thoát nước thường bị nghẹt do rác thải và vẫn có những chỗ trũng thấp chưa được tôn cao. Hay ở khu vực đường Linh Đông, đường 14, đường 16, đường 18, nhiều năm qua ngành chức năng lấy lý do vướng hành lang đường sắt, đến nay cũng chưa có động thái gì khắc phục nạn ngập úng thường xuyên và trầm trọng tại đây, kể cả việc cho nạo vét các suối, cống thoát nước. Ở nhiều nơi khác, các kênh rạch bị bồi lắng rất dày nhưng vẫn không được nạo vét, vừa hạn chế dòng chảy vừa giảm khả năng chứa nước nên dễ xảy ra tình trạng ngập ứ cục bộ.
Trong khi đó, việc chống ngập hiện nay có phần mạnh ai nấy làm, nơi nào làm được thì làm, giải pháp cơ bản vẫn là nâng đường, nâng hẻm, người dân theo đó cũng tự nâng nền nhà, để nước mưa chảy về chỗ khác. Trên thực tế, những chỗ chứa nước ngày càng giảm đi, các khu đất trống (nhất là các ruộng trước đây trồng rau muống) ngày càng bị thu hẹp hoặc đã được xây dựng công trình, không thể chứa nước; hệ thống kênh rạch, cống rãnh có nơi bị bồi lắng. Liệu đã có những tính toán khoa học nào xác định rằng một khi thực hiện việc nâng cao cốt nền ở một khu vực thì lượng nước ở đó sẽ đổ đi đâu, mức độ ngập của nơi bị nước đổ đến đó sẽ ra sao và nơi đó cần phải được chống ngập như thế nào. Nếu có sự chống ngập cục bộ nào đó thì tình trạng ngập úng ở đó sẽ được cải thiện nhất thời nhưng không thể căn cơ, và thực tế phần nhiều chỉ là “chuyển ngập từ chỗ này sang chỗ khác” mà thôi. Nếu các giải pháp chống ngập chỉ thực hiện theo cách đó, việc chống ngập chắc chắn kém hiệu quả và có thể tốn kém rất lớn, do lúc nào cũng có điểm ngập mới.
TPHCM cần xem xét lại các giải pháp chống ngập sao cho thật đồng bộ, trên cơ sở khảo sát, dự báo toàn diện tình hình ngập úng trong vòng 5 - 10 năm tới, có dự báo được khả năng sụt lún của từng khu vực, khả năng nước dâng cao cho biến đổi khí hậu, lượng mưa hàng năm… Từ đó đánh giá các giải pháp chống ngập hiện có và gắn với các số liệu dự báo, để tính toán xem trong thời gian tới các giải pháp đó có còn phù hợp không. Đồng thời, phải xem xét các giải pháp chống ngập hiện tại có sự đồng bộ chưa; các giải pháp có kết nối với nhau hay không để một khi thực hiện chống ngập ở nơi này thì những khu vực lân cận cũng có tác dụng.
Cần thường xuyên nạo vét kênh rạch, cống rãnh, mương thoát nước, duy tu các hồ lắng; nơi nào có hiện tượng lấn chiếm thì phải buộc trả lại hiện trạng. Cần lập bản đồ chống ngập với các thông số về mương, cống, kênh, rạch, ao, hồ, mực nước theo thủy triều từng thời điểm, lượng mưa cao nhất, các điểm ngập, những nơi tích nước… Tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về chống ngập và các tính toán thông tin về tình hình ngập, như khi ngập tại điểm A thì nước sẽ tràn đến đâu, ngập tại điểm A với mức nước là “x” thì các điểm B, C, D… có mức nước tương ứng thế nào. Đồng thời, thực hiện xây dựng các mô hình phòng chống ngập tự động, như khi nước triều lên một điểm “y” thì hệ thống cửa xả sẽ tự động đóng, nước mưa đến một mức “z” thì hệ thống bơm sẽ được kích hoạt.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay phòng chống ngập; trong đó, vấn đề quan trọng là phải hạn chế việc xả rác xuống kênh rạch, các cống thoát nước. Trong xây dựng, phải quản lý chặt việc lấn chiếm kênh rạch, hành lang mương thoát nước hoặc xâm phạm các công trình ngầm thoát nước; kiên quyết buộc tháo dỡ, khắc phục hiện trạng và phạt tiền nghiêm các trường hợp vi phạm. Kể cả việc san lấp mặt bằng cũng cần được giám sát chặt chẽ, để hạn chế việc san lấp làm tắc nghẽn các công trình thoát nước hoặc gây ứ đọng cục bộ. Cuối cùng, cần xem xét việc tiếp tục khôi phục các kênh thoát nước đã bị san lấp, hoặc thực hiện các “kênh ngầm” bên dưới các công trình dân sinh, để góp phần giải tỏa việc ngập úng.