Chiều 29-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bộ trưởng cho hay, trước khi Luật Đầu tư công được ban hành, công tác quản lý đầu tư công phân tán, để lại hậu quả lớn về phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không rõ địa chỉ, có quyết định đầu tư nhưng không rõ vốn ở đâu, không có vốn thì tạm ứng, rồi nợ đọng... rất luẩn quẩn, để lại hậu quả rất lớn, chúng ta đang phải giải quyết lâu dài. Luật ra đời thì giảm được đầu tư dàn trải và phân tán, dù chưa triệt để nhưng kết quả rất đáng ghi nhận,
Đơn cử, giai đoạn 2011-2015 có tới 21.000 dự án đầu tư mới, trong khi giai đoạn 2016-2020 con số chỉ là 9.620. Trong số hơn 9.000 dự án này có tới hơn 8.000 dự án là của năm 2011-2015 chuyển qua, dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách của giai đoạn này chỉ là 412 và chiếm chưa tới 4%.
Hiện tại, Chính phủ đang phải lấy vốn này tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, trả nợ giai đoạn trước hơn 50.000 tỷ đồng và vốn cho 8.000 dự án chuyển giao sang giai đoạn 2016-2020 chiếm gần 65% số vốn giai đoạn này.
“Với số vốn hạn hẹp mà nhu cầu của các địa phương rất nhiều nhưng chưa có dư địa để giải quyết trong nhiệm kỳ này”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết đã chấm dứt tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngày 31-12-2014. Tất cả số vốn đã bố trí đủ để trả nợ hết số nợ đọng của xây dựng cơ bản giai đoạn trước, những số phát sinh sau này đều là vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng cho rằng, khi Luật Đầu tư công ra đời thì ý thức đầu tư công đã tốt hơn, trước đây chưa cần biết vốn ở đâu cứ chấp nhận dự án đã; nay đã giảm cơ bản các quyết định tùy tiện. Nhưng hạn chế hiện nay là giải ngân chậm. Chính phủ đã nhìn thấy những bất cập của Luật Đầu tư công, vì thế trình sửa luật.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để tháo gỡ các rào cản, vướng mắc. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập tổ công tác xuống tận nơi để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhất là trong giải ngân. “Tinh thần là phân cấp mạnh cho địa phương, bộ ngành, nhưng kiên quyết không để quay lại như trước đây. Tới đây sẽ gắn trách nhiệm rất rõ các cơ quan, người đứng đầu trong đầu tư công”, Bộ trưởng cho biết.
Ông cũng khẳng định, kế hoạch đầu tư công 5 năm là bước đột phá lớn. Trước đây xây dựng hàng năm nên xảy ra tình trạng ăn đong, dàn trải, vốn ít, dự án nhiều. Nhưng nay kế hoạch 5 năm, thì sẽ xác định rõ kế hoạch đầu tư 5 năm, có bao nhiêu tiền, làm những dự án nào, hoàn toàn chủ động được.
Đặc biệt, phải có vốn mới lập dự án, khác với trước đây là cứ lập dự án rồi tiền tính sau. Ưu điểm của kế hoạch 5 năm là hạn chế cắt khúc, chủ động được tính bố trí vốn, tăng tính dự báo và hạn chế xin - cho. Dựa vào kế hoạch và triển khai, không còn chạy vốn, xin - cho.
“Nhưng hạn chế là khi cần bổ sung dự án mới thì thủ tục rất nhiêu khê, ví dụ điều chỉnh các dự án đã có kế hoạch thì dễ, còn bổ sung dự án mới thì phải trình Quốc hội nên thiếu tính linh hoạt”, Bộ trưởng cho hay.
Về nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn, đây luôn là bài toán khó. Vốn ODA thì đang giảm dần, thu hút nguồn lực xã hội cũng khó, trong khi đó nhu cầu luôn rất lớn: cao tốc, giao thông kết nối, y tế, giáo dục, cái nào cũng cấp bách, quan trọng. Nhưng "bánh" ngân sách chỉ có vậy, giữa khả năng và nhu cầu luôn không đáp ứng được.
Trong khi đó, Quốc hội luôn yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính, không vượt quá tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, trong khi đó phải trả nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện hơn 8.000 dự án chuyển tiếp... “Đó là lý do Chính phủ phải trình sử dụng vốn dự phòng”, Bộ trưởng giải thích.
Về vốn dự phòng của TƯ, Chính phủ làm đúng với các quy định, nằm trong 2 triệu tỷ đồng mà Quốc hội đã cho định mức, bảo đảm nợ công, bội chi, vốn dự phòng. Chính phủ sẽ xây dựng danh mục trước khi giao vốn với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về vốn ODA, Chính phủ xin Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 60.000 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn ODA để đủ bố trí vốn cho các dự án.
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 60.000 tỷ đồng so với kế hoạch.