Dự hội thảo có các đồng chí: Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Ban chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM; PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thư ký đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM… Hội nghị còn được truyền trực tiếp tới công an các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Tại hội thảo, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM đã trình bày một số nội dung điều chỉnh, bổ sung mới của 4 dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) và Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân cơ bản thống nhất với nội dung các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo. Tuy nhiên, Bộ Công an cần làm rõ hơn những điều cốt lỗi người dân cần thực hiện trong các dự thảo luật này để thông tin cụ thể tới người dân.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đề nghị, đối với Luật CCCD thì công an cần có cách tuyên truyền sao ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu để người dân thực hiện một cách tốt nhất. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tiếp công dân nhờ tư vấn, hỗ trợ bảo vệ về pháp luật thì nhiều người không am hiểu hoặc có đọc nhưng hiểu không đúng. Khi hiểu không đúng người dân không thể bảo vệ quyền lợi của mình và cũng không chứng minh quyền lợi khi có sự việc liên quan tới pháp luật.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, về Luật CCCD hơi “lòng vòng”. Qua 9 năm, luật đã nhiều lần sửa đổi, đổi tên, từ 9 chữ số đến 12 chữ số rồi đổi sang CCCD gắn chip. Mỗi lần thay đổi thì người dân lại một lần khổ, các cán bộ cũng khổ theo vì nhập liệu nhiều dẫn tới sai sót.
Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Theo Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cần tập trung đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng các dự án luật. Về mặt kỹ thuật số thì nên chuyên nghiệp hơn, phải xác định rõ cần gì, những giai đoạn nào, tránh mất sức…
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đánh giá cao về 4 dự án luật do Bộ Công an soạn thảo. Tuy nhiên, nội dung của các dự luật này phải phù hợp với đặc thù TPHCM vì nơi đây là đô thị đặc biệt có vị trí chính trị quan trọng, cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế, sân bay, cảng.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Về Luật CCCD, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc sai sót dữ liệu ở TPHCM với người dân là không tránh khỏi. Nếu tính trên tỷ lệ % chiếm rất thấp, công an làm sao để hạn chế thấp nhất và cần phải rút kinh nghiệm.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân ủng hộ về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện nay, ở TPHCM, vấn đề lòng lề đường diễn biến hết sức phức tạp và nếu luật được thông qua sẽ giúp cho việc xử lý dọn dẹp lòng lề đường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, luật này đã sửa và làm rõ rất nhiều điều. Trong đó có việc đặt tên cho lực lượng cơ sở thành tổ bảo vệ an ninh trật tự; xác định không làm tăng số lượng, chuyên trách…
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Kết luận tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam đánh giá cao các ý kiến, đề nghị của các đại biểu, hầu hết các ý kiến đóng góp có chất lượng tốt, phản ánh khá toàn diện và trọng tâm sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề 4 dự án luật. Công an TPHCM tiếp thu và tập hợp các ý kiến mới tại hội thảo, báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an, Ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật nghiên cứu trả lời, hoàn chỉnh dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thảo luận.