Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) góp ý kiến nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo điều kiện chủ động trong thực hiện các dự án đầu tư công.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
ĐB Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội) cho rằng, việc phân cấp, phân quyền là thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo: "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền, ĐB cho rằng cần bổ sung các cơ chế và giải pháp để kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát. Bà cũng đề xuất tăng cường tính công khai, minh bạch trong các quyết định về đầu tư, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền.
Về phân cấp, ủy quyền, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) băn khoăn, theo quy định, Chủ tịch UBND các cấp không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên, quy định Chủ tịch UBND các cấp ban hành văn bản phân cấp là thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
ĐB Nguyễn Thị Lệ cũng kiến nghị, Quốc hội xem xét điều chỉnh khoản 4 điều 93 của dự thảo theo hướng mở rộng đối tượng nhận ủy quyền đến Chủ tịch UBND cấp huyện.
Góp ý thêm nội dung này, ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) bày tỏ quan điểm, việc tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương chủ động, tự chủ và chịu trách nhiệm trong thực hiện các dự án đầu tư công. Theo ông, điều này sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai và nâng cao hiệu quả đầu tư.
ĐB cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát để đảm bảo các dự án đầu tư công được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có các quy định chặt chẽ về kiểm tra và giám sát để tránh tình trạng lãng phí và thất thoát tài sản Nhà nước.
Tránh lạm dụng tách dự án gây lãng phí
Về một điểm mới trong dự thảo luật là cho tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đồng tình với nội dung này và đánh giá cao việc bổ sung quy định này. Ông cho rằng sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án, tăng hiệu quả triển khai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quy trình và thủ tục hiện tại cần được rà soát và điều chỉnh để rút ngắn thời gian hoàn thiện.
Do tính chất phức tạp và liên kết giữa các thủ tục, việc hoàn thiện hồ sơ có thể kéo dài gần một năm hoặc lâu hơn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vì vậy, ĐB Trần Chí Cường đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời gian cho các bước lập thủ tục và phê duyệt để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Góp ý thêm về phân loại dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) đề nghị cần làm rõ trường hợp nào là thật sự cần thiết tách riêng bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập. Theo ĐB, thực tế, các dự án chậm tiến độ đều rơi vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đây là vấn đề khó khăn của các địa phương.
Lo ngại về việc có thể xảy ra tình trạng lạm dụng tách dự án giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc đất bị bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đề xuất trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định tách dự án. Cụ thể, ĐB đề nghị rằng sau khi hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đất phải được đưa vào sử dụng đúng với mục đích ban đầu của dự án.
ĐB Nguyễn Thị Lệ cũng phân tích và cho rằng, dự thảo không quy định về điều kiện và trình tự thủ tục tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án. Mặc dù việc tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án gây ảnh hưởng và tác động lớn so với việc điều chỉnh chương trình, dự án.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có cơ chế kiểm soát, kiểm tra, xử lý đối với trường hợp này, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị, Quốc hội xem xét, bổ sung quy định về các điều kiện và trình tự, thủ tục tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) thống nhất với ý kiến của một số ĐB là giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc nhóm B.
Về quan điểm trên, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng việc phê duyệt chủ trương đầu tư qua HĐND là một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, đảm bảo tính độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư và người phê duyệt dự án.
ĐB đề nghị cho phép HĐND các cấp được quyết định các giải pháp đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và yêu cầu riêng của mỗi dự án. Đồng thời, quy định cho phép HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện linh hoạt phù hợp với tình hình từng địa phương.