Các dự án cao tốc phía Nam không thể chậm trễ thêm

Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ GTVT dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý IV-2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định của pháp luật.

Chiều 10-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). 

 Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe. Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km qua 4 tỉnh thành, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước. Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng. Nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 có ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng.

Thảo luận về nội dung này, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều đồng tình cao với việc đầu tư 3 dự án, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là đối với khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, nơi hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.

Các dự án cao tốc phía Nam không thể chậm trễ thêm ảnh 1 Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu chiều 10-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), liên quan đến mức độ hấp thụ vốn của các dự án, khả năng cân đối vốn, phân bố nguồn lực, tính khả thi của dự án, tiến độ thực hiện dự án, phương án thu hồi vốn, phương thức vận hành khai thác sau đầu tư, công tác hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất…

Các ĐB đồng ý với phương án tách công tác GPMB, tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư. Cân nhắc thành lập Ban chỉ đạo chung cho 3 dự án để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù GPMB, đồng thời sớm bàn giao cột mốc GPMB cho địa phương thực hiện.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đồng tình với đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về sử dụng vốn đầu tư công cho 3 dự án này trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 và nguồn vốn được bố trí cho chương trình phục hồi kinh tế.

ĐB kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đảm bảo đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Chính phủ cần có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng của các công trình sau khi hoàn thành.

Giải trình thêm về các dự án cao tốc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây đều là các dự án cấp bách, không thể chần chừ thêm. Về nguồn vốn triển khai các dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 10 năm qua Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Do vậy, đến thời điểm này hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm chậm trễ thì TPHCM và Đồng Nai không phát triển được.

 Về tiến độ giải ngân, Bộ GTVT đã tính toán theo cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác GPMB và lập dự án đầu tư. Bộ GTVT dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý IV-2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định của pháp luật.

Các dự án cao tốc phía Nam không thể chậm trễ thêm ảnh 2 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Đối với cơ chế đặc thù triển khai 3 dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho là rất cần thiết và đang kiến nghị áp dụng cả Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế và một số cơ chế đặc thù để khi phân cấp cho các địa phương sẽ thực hiện được hiệu quả.

“Với vấn đề phân cấp thực hiện, mặc dù địa phương sẽ lúng túng trong triển khai, nhưng đối với 3 dự án này, Bộ GTVT sẽ làm đầu mối cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn giúp các địa phương thực hiện. Dự kiến, Chính phủ cũng tổ chức họp thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế…”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc đầu tư triển khai đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đây là 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng ĐBSCL, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, ĐBSCL nói riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin cùng chuyên mục