Các dự án bệnh viện cửa ngõ TPHCM đợi bổ sung vốn

Khối lượng xây dựng mới 3 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM đang trên đường về đích theo tiến độ, nhưng nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho các cơ sở này đi vào hoạt động vào cuối năm nay thì không biết đến khi nào mới có. Nguy cơ công trình phải “đắp chiếu” có thể xảy ra.
Lực lượng thi công trên công trình xây mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng thi công trên công trình xây mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tất bật hoàn thiện công trình

Những ngày cuối tháng 3-2023, tại dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức), hàng trăm kỹ sư, người lao động hối hả, thi công các hạng mục công trình. Kỹ sư Lý Bích, chỉ huy trưởng công trình, cho biết, mỗi ngày nơi đây có gần 400 kỹ sư, người lao động thi công, giám sát. Hiện phần xây thô (10 tầng nổi, 1 tầng hầm) đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra trước một tháng.

Kỹ sư Lý Bích khẳng định: “Liên doanh nhà thầu gồm Công ty cổ phần Xây dựng số 5, Công ty cổ phần Xây lắp Thành An 96, Công ty cổ phần Kỹ thuật và thiết bị y tế Medinsco và Công ty TNHH Trang trí nội thất Mộc Thành Văn cam kết hoàn thiện các hạng mục và bàn giao công trình cho thành phố trong tháng 12 năm nay”.

Tương tự, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (tại ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, có quy mô 13 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật; quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường, tổng mức đầu tư 1.854 tỷ đồng) và dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (quy mô 12 tầng nổi, 2 tầng hầm, có tổng mức đầu tư 1.895 tỷ đồng) đều đã hoàn thiện phần xây thô và đang triển khai các hạng mục sân bãi, mảng xanh.

Theo kỹ sư Lê Sỹ Tuấn, chỉ huy trưởng dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, công trình được khởi công vào tháng 1-2021, và dù bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng liên doanh các nhà thầu vẫn cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ.

“Phần xây lắp đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hệ thống thang máy, thang cuốn; hệ thống cấp lạnh; hệ thống điều hòa trung tâm; hệ thống xử lý không khí AHU (hệ thống xử lý nhiệt ẩm bằng phương pháp trao đổi nhiệt)… Với tốc độ thi công hiện nay, đến tháng 10 tới sẽ kịp bàn giao khối nhà chính cho bệnh viện sử dụng”, kỹ sư Lê Sỹ Tuấn nói.

Dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đang dần hoàn thiện các hạng mục. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đang dần hoàn thiện các hạng mục.

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn nhiều vướng mắc

Dù phấn khởi với tốc độ xây dựng mới bệnh viện, nhưng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức Cao Tấn Phước suy tư: “Thật sự chúng tôi đang rất lo lắng, bởi việc mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn đang gặp vướng mắc. Bệnh viện cần 1.500 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị nhưng vẫn chưa được bố trí vốn. Bệnh viện đã nhiều lần gửi danh mục trang thiết bị cấp bách, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu việc này không được tháo gỡ ngay, khi bệnh viện được đưa vào sử dụng thì không biết sẽ vận hành, khám chữa bệnh ra sao”.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết, thành phố đầu tư xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ với tổng vốn đầu tư 5.664 tỷ đồng (vốn xây lắp, chưa tính trang thiết bị y tế). Các dự án nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực các quận, huyện cửa ngõ thành phố và người dân ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM không đủ khả năng cân đối để bố trí cho các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện do cần phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án khác.

Trước thực tế này, UBND TPHCM đã có 5 công văn báo cáo, kiến nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện nói trên.

Xung quanh vấn đề này, trong Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 17-8-2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, nêu rõ Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM rà soát, điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các dự án chưa thực sự cấp thiết và bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để bổ sung vốn cho 3 bệnh viện.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ phối hợp với UBND TPHCM đề xuất phương án bổ sung vốn cho 3 dự án bệnh viện từ số vốn điều chỉnh giảm các dự án không có khả năng giải ngân hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở rà soát khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố, TPHCM chỉ mới bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 3 dự án mua sắm trang thiết bị của 3 bệnh viện là 3 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, chưa có nguồn vốn để bố trí thực hiện cho 3 dự án này.

Để sớm đưa các bệnh viện vào vận hành, UBND TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT rà soát nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 để tham mưu Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn ở 3 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM, với tổng nhu cầu 4.500 tỷ đồng. UBND TPHCM cam kết sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2023-2025.

Tin cùng chuyên mục