Các địa phương ở ĐBSCL nỗ lực tái đàn heo

Chiều 23-4, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, giá heo hơi trên thị trường giao động khoảng 90.000- 93.000 đồng/kg, dù đây là mức giá cao nhưng phần lớn hộ chăn nuôi không còn đàn heo nhiều để bán. Nguyên nhân, do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi thời gian qua khiến hàng ngàn hộ bị thiệt hại phải tiêu hủy hàng trăm con, dẫn đến đàn heo giảm khá mạnh.

Do nhu cầu tiêu thụ thịt heo hàng ngày khá lớn, nên Sở NN-PTNT tỉnh An Giang có công văn hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn heo một cách hiệu quả, đề phòng nguy cơ tái phát dịch bệnh. 

Các địa phương ở ĐBSCL nỗ lực tái đàn heo ảnh 1 Thịt heo ở ĐBSCL vẫn duy trì mức giá khá cao 

Theo đó, tỉnh An Giang yêu cầu các cơ sở và hộ chăn nuôi heo phải áp dụng nghiêm biện pháp cách ly, sát trùng bằng hóa chất; nâng cấp cơ sở chăn nuôi bảo đảm, áp dụng biện pháp an toàn sinh học; thực hiện kê khai chăn nuôi để ngành chức năng thẩm định đủ điều kiện trước khi tái đàn.

Đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ với quy mô tổng đàn dưới 1.500 con heo thịt phải kê khai gửi UBND xã; cơ sở chăn nuôi trang trại tổng đàn từ 1.500 con heo thịt trở lên phải kê khai gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Heo giống tái đàn phải có nguồn gốc sạch bệnh; định kỳ lấy mẫu xét nghiệm dịch tả heo châu Phi.

Các địa phương ở ĐBSCL nỗ lực tái đàn heo ảnh 2 Các tỉnh ĐBSCL nỗ lực tái đàn heo theo an toàn sinh học, đề phòng dịch bệnh 

Tại Đồng Tháp, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này nhìn nhận, thời gian qua do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành trên diện rộng khiến đàn heo giảm mạnh. Cộng với con giống gần đây không nhiều, giá cao và điều kiện chăn nuôi rủi ro, nên việc tái đàn còn chậm. Nếu như trước đây tổng đàn heo ở Đồng Tháp khoảng 400.000-600.000 con/năm, nay giảm còn 70.000-90.000 con.

Do đó, tỉnh đẩy mạnh tái đàn heo nhằm phục vụ tiêu thụ trong tỉnh và cung ứng cho các nơi khác. Việc tái đàn theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ để chuyển sang nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học; tỉnh hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn với lãi suất ưu đãi theo chính sách hiện hành.

Ở Tiền Giang, đàn heo của tỉnh trước đây khoảng 700.000-800.000 con mỗi năm, thuộc dạng nhiều nhất ĐBSCL, nhưng nay giảm còn khoảng 300.000 con. Tỉnh Tiền Giang vừa công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời hướng dẫn người dân tái đàn theo an toàn sinh học, nuôi có kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra… Song, cái khó là nhiều hộ thiếu vốn và giá heo giống cao nên tái đàn chậm.

Còn ở Hậu Giang, tình hình cũng tương tự khi đàn heo giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh thời gian qua. Ngành chức năng đang hỗ trợ người nuôi tái đàn, nhưng dự báo phải mất vài tháng đàn heo mới có thể tăng trở lại…           

Tin cùng chuyên mục