Các địa phương cần vào cuộc để hạn chế tai nạn đường sắt

Tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), riêng tháng 8-2017 đã xảy ra 25 vụ TNGTĐS, trong đó do chủ quan 3 vụ. 
Trong nửa đầu tháng 9, các vụ TNGTĐS cũng đã xảy ra liên tiếp, mới đây nhất là vụ tàu hỏa đâm xe tải chở nước ngọt ngày 13-9 tại địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội). Vì sao TNGTĐS vẫn chưa thể kiềm chế được? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN, về vấn đề này.
Các địa phương cần vào cuộc để hạn chế tai nạn đường sắt ảnh 1 Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN
- PHÓNG VIÊN: TNGTĐS vẫn là nỗi thấp thỏm hàng ngày của người dân và cả của ngành đường sắt. Xin ông cho biết, vì sao TNGTĐS vẫn xảy ra nhiều như vậy?
* Ông VŨ ANH MINH: Chúng ta chỉ có thể khắc phục được TNGTĐS khi các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ được xóa bỏ hoặc được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc còn có tới 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).
Trong số 1.516 đường ngang hợp pháp thì cũng có đến 86% không đủ tiêu chuẩn quy định theo Thông tư 62/2015/TT-BGTVT ngày 4-11-2015 của Bộ GTVT quy định về đường ngang, ví dụ như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định, trang thiết bị tại nhiều đường ngang có gác chắn lạc hậu, xuống cấp, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng sức người… Đây là một vấn đề hết sức nan giải và ngành đường sắt đang nỗ lực phối hợp với các địa phương để giải quyết nhưng phải nói thật là kết quả còn rất hạn chế.
Các địa phương cần vào cuộc để hạn chế tai nạn đường sắt ảnh 2 Tai nạn ở khu vực đường dân sinh
* Như vậy, khi TNGTĐS xảy ra thì trách nhiệm các bên ra sao?
- Để xảy ra tai nạn, trách nhiệm lớn nhất là của ngành đường sắt. Tuy nhiên, các địa phương cũng chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp với ngành cảnh giới, ngăn chặn lối đi tự mở.
Hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ GTVT. Đặc biệt, hiện có 10 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, đó là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tổ chức cảnh giới rất ít vị trí so với yêu cầu thực tế như Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa...
Ngoài ra, việc cắm biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang hoặc chưa được thực hiện đầy đủ, hoặc chưa đúng quy định. Việc giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt, các hành vi vi phạm chưa được xử lý kịp thời. 
Còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là, một bộ phận người dân rất hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt khi lái xe qua đường sắt. Nhiều trường hợp tài xế thiếu quan sát, cố tình cho xe vượt qua đường ngang khi tàu đang đến, khi TNGT xảy ra, bên cạnh thiệt hại về tính mạng của người dân là không gì bù đắp được, thiệt hại về người và tài sản của ngành đường sắt cũng rất lớn. Sau mỗi vụ tai nạn, để khắc phục lại hiện trường và thông tuyến, phải chuyển tải tăng bo hành khách, sửa chữa lại toa xe, đầu máy bị hỏng… ngành đường sắt cần đến chi phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng. 
* Vậy làm thế nào để hạn chế TNGTĐS trong thời gian tới, thưa ông?
- Tổng công ty ĐSVN mong muốn chính quyền địa phương tích cực vào cuộc hơn nữa trong việc phối hợp quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Về phía Tổng công ty, từ nay đến cuối năm 2017, chúng tôi sẽ chủ động tìm nguồn kinh phí để thực hiện việc cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt.
Tổng công ty ĐSVN cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan cắm đầy đủ các loại biển báo hiệu đường bộ, sớm triển khai xây dựng gờ giảm tốc cưỡng bức tại 97 vị trí theo danh mục phê duyệt của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành sửa chữa, cải tạo mặt đường bộ tại các đường ngang, lối đi tự mở, giải phóng tầm nhìn, mở rộng mặt cắt sang đường bộ tại các đường ngang mà đường bộ song song liền kề với đường sắt.
Tổng công ty ĐSVN cũng đang đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, sự cố do chủ quan. Trước mắt là lắp đặt camera theo dõi hành trình chạy tàu trên đầu máy. Camera này sẽ giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy từ điều khiển tốc độ, kéo còi, hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Camera cũng đồng thời giám sát tất cả hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực hiện quy trình quy phạm của các nhân viên trực ban ga, gác ghi, tuần đường, gác chắn, kể cả việc thực hiện các thao gác báo tín hiệu như vị trí đứng, tư thế cầm cờ, đèn… để có thể ngăn ngừa TNGTĐS từ xa. Mục tiêu là, trong năm 2017, chúng tôi sẽ giảm TNGTĐS từ 5%-7% so với năm 2016, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.
* Xin cảm ơn ông!
Tàu hỏa lại đâm nát xe tải
Lúc 6 giờ sáng 13-9 tại km 14+600 đường sắt Bắc - Nam (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội), một đoàn tàu chở hàng số hiệu 2320 đã va chạm với xe tải vượt đường ngang (ảnh).
Các địa phương cần vào cuộc để hạn chế tai nạn đường sắt ảnh 3
Vụ va chạm khiến cabin xe tải văng xa khoảng 30m, phần thân xe bị kéo lê khoảng 100m, hư hỏng nặng, cửa kính đầu máy tàu bị vỡ, quốc lộ 1 ùn tắc nghiêm trọng, đường sắt bị ách tắc hơn 1 giờ 30 phút. Rất may tài xế xe tải đã kịp nhảy ra khỏi xe nên không bị thương.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đoạn đường ngang xảy ra tai nạn là đường ngang dân sinh không có rào chắn nhưng có cắm biển cảnh báo. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra.

Tin cùng chuyên mục