Các cựu lãnh đạo SCB khai mục đích Trương Mỹ Lan sử dụng tiền

Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, ngày 11-3, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã xét hỏi một số bị cáo để làm rõ ai là người quyết định nhân sự, các vị trí quan trọng ở SCB.

Là người đầu tiên bị VKS xét hỏi, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) khai nhận, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người quyết định nhân sự tại SCB. Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan là người yêu cầu các bị cáo làm thủ tục rút tiền khỏi SCB.

Trong cuộc họp, Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo lập hồ sơ, tài sản bảo đảm. Sau đó, Trương Mỹ Lan có trao đổi qua điện thoại để thực hiện giải ngân theo ý của Trương Mỹ Lan. Việc cho vay, giải ngân ra sao Trương Mỹ Lan chỉ đạo trong cuộc họp và lẫn qua điện thoại.

z5238723042139-c47f7b50810b721a20e0182a8ac80a8d-1133-3012.jpg
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng theo bị cáo Hoàng, tiền sau khi được giải ngân thì mục đích sử dụng tiền cho việc thanh toán các dự án Trương Mỹ Lan đã mua như dự án 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dự án Tuần Châu, dự án Khu đô thị Hồng Phát ở Long An.

Sau khi nghe đại diện VKS yêu cầu khai rõ về việc tại cơ quan điều tra, bị cáo còn khai Trương Mỹ Lan có cách thức chuyển tiền qua nước ngoài, bị cáo Hoàng khai, với vai trò quyền Tổng giám đốc bị cáo có phê duyệt chuyển tiền qua nước ngoài theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Việc này là để thanh toán mua công ty nước ngoài ở Việt Nam, thanh toán thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.

Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận việc chỉ đạo tài xế Bùi Văn Dũng vận chuyển hơn 108.000 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (đường Trần Hưng Đạo) và về nhà ở tòa nhà Sherwood (đường Pasteur) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Lan.

z5225669406367-46d3b6c9e987e862b2746d7f44bf1814-2533-7856.jpg
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tòa đã cho gọi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) lên xét hỏi và người này khẳng định, Trương Mỹ Lan chỉ đạo chuyển tiền cho Bùi Văn Dũng. Theo bị cáo Dung, SCB có 3 chi nhánh để chuyển tiền cho Lan rút tiền, gồm: Chi nhánh ở Cống Quỳnh, Sài Gòn, Bến Thành.

Bị cáo Dung cho biết, tiền mặt được rút từ Chi nhánh Sài Gòn và bị cáo được Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp. Bị cáo Dung biết tiền được chuyển riêng cho Trương Mỹ Lan sử dụng, biết mục đích sử dụng là trả nợ cho SCB, đi thanh toán chi phí cho các dự án khác như Ba Son, dự án Saigon Onetower, dự án Mũi Đèn Đỏ, mua dự án Đông Á ở quận 7. Ngoài ra, tiền để thanh toán cho các dự án là chuyển khoản, còn tiền chuyển về cho Trương Mỹ Lan là sử dụng vào việc gì thì bị cáo Dũng không rõ.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1,066 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17-10-2022, còn 1.284 khoản vay (gồm: 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức vay 772 khoản), còn dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi; các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi).

z5237505302515-8f5676d5f597822f73157ccf23f7fcce-8484-8923.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về dòng tiền đã giải ngân, Ngân hàng SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. Dòng tiền của 1.284 khoản vay của Trương Mỹ Lan xác định được như sau:

+ Trả nợ khoản vay cũ tại Ngân hàng SCB: 57.029 tỷ đồng;

+ Tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB: 381.303 tỷ đồng;

+ Tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong Ngân hàng SCB: 5.275 tỷ đồng;

+ Tổ chức/cá nhân rút tiền mặt: 81.873 tỷ đồng (Chi nhánh Sài Gòn 50.086 tỷ đồng, Chi nhánh Cống Quỳnh 16.952 tỷ đồng; Chi nhánh Bến Thành: 14.1717 tỷ đồng, Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch: 537,35 tỷ đồng, Chi nhánh Phú Đông 323,7 tỷ đồng, Chi nhánh Tân Định 21,2 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục