Theo tạp chí Diễn đàn Đông Á, việc người tiêu dùng chấp nhận thương mại điện tử, tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã thu hút được nhiều nguồn tài trợ hơn. Điều này thúc đẩy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và mở rộng lực lượng lao động công nghệ. Sự xuất hiện của các công ty “Kỳ lân” (công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD) ở Đông Nam Á đã thu hút một lượng lớn thanh khoản đổ vào khu vực. Mô hình kinh doanh “Kỳ lân” sử dụng các quỹ đầu tư để mở rộng quy mô nhanh chóng bằng cách cung cấp cho khách hàng các khoản chiết khấu và ưu đãi.
Năm 2022, mô hình kinh doanh của các “Kỳ lân” và công ty khởi nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Kết quả là dòng vốn đầu tư giảm đã gây ra một đợt điều chỉnh trong ngành công nghệ. Các DEC, đặc biệt là các công ty “Kỳ lân”, đã giảm thiểu tổn thất tài chính bằng cách sa thải hàng ngàn công nhân khi tái cơ cấu. Chỉ có 8 công ty khởi nghiệp đạt được trạng thái “Kỳ lân” vào năm 2022 so với 23 công ty vào năm 2021. Khi môi trường tài trợ trở nên ảm đạm, các nhà đầu tư bắt đầu thành lập các quỹ nợ chuyên dụng để bổ sung cho việc huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp.
Các công ty “Kỳ lân” cũng đã thay đổi chiến lược để thích ứng với dòng vốn chảy vào ít đi. Theo giới chuyên gia, các chính phủ ở Đông Nam Á sẽ phải đẩy mạnh chương trình tài trợ và ưu đãi khác cho các công ty khởi nghiệp. Trong đó Singapore tài trợ cho một số chương trình nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, bao gồm Startup SG liên kết các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu, tài trợ giai đoạn đầu, thương mại hóa và phát triển công nghệ độc quyền. Trong chương trình này, chính phủ sẽ cùng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng với nhà đầu tư bên ngoài.
Viện Tech for Good và Trung tâm Quản trị và Bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã nghiên cứu cách 439 DEC trên khắp Đông Nam Á định hình tác động của họ ngoài các con số tài chính. Nghiên cứu cho thấy, các DEC ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam (các quốc gia “SEA-6”), hiện đang tập trung nhiều hơn vào những vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Trong khi đó, tác động môi trường, từ lượng khí thải carbon đến quản lý chất thải... ở một tầm cao hơn. Hơn 8/10 (85%) DEC bày tỏ ý định hướng tới tính bền vững.