Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về giảm ô nhiễm không khí

Sáng 5-12, tại tọa đàm khoa học chủ đề "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế đã chia sẻ nhiều giải pháp giao thông bền vững và vai trò của khoa học trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về giảm ô nhiễm không khí

Theo PGS Hồ Quốc Bằng (Đại học Quốc gia TPHCM) ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM xuất phát chủ yếu từ giao thông, sản xuất công nghiệp và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tại Hà Nội, lượng phương tiện giao thông ước có 6 triệu xe máy và 690.000 ôtô, cùng khoảng 2.000 nhà máy công nghiệp, là nguyên nhân chính gây phát thải các chất ô nhiễm như CO, SO2, bụi mịn... Trong khi đó, tại TPHCM, có khoảng 7,4 triệu xe máy, ô nhiễm từ giao thông cũng chiếm phần lớn, đặc biệt là khí thải NOx (loại khí thải cực độc gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường) và carbon đen.

VIH_0403.JPG
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia tọa đàm

Tại tọa đàm GS Yafang Cheng (Viện Hóa học Max Planck, Đức) chỉ rõ ô nhiễm từ các hạt bụi mịn là nguyên nhân gây tử vong sớm cho 9 triệu người mỗi năm. Bà cũng giải thích cách các yếu tố khí tượng, như tầng đối lưu thấp vào mùa đông, khiến chất ô nhiễm tích tụ ở các đô thị, làm gia tăng hiện tượng sương mù và ô nhiễm nặng nề hơn.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí từ giao thông, GS Daniel Kammen (Đại học California, Berkeley) đề xuất tăng cường ứng dụng xe điện và năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh rằng việc phát triển công nghệ pin sodium hoặc pin phi kim chi phí thấp có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng tốc độ chuyển đổi hiện nay chưa đủ nhanh để đạt các mục tiêu phát triển bền vững. California đã đưa ra chính sách cấm bán xe phát thải mới vào năm 2030, tạo bước tiến lớn trong chuyển đổi sang giao thông xanh.

VIH_9897.JPG
GS Yafang Cheng (Viện Hóa học Max Planck, Đức)

Chung nhận định này, GS Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) cho rằng việc sử dụng xe điện, đặc biệt là xe máy và xe buýt điện, cần được đẩy mạnh để giảm phát thải trong giao thông đô thị. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng cần có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông sạch.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi GS Yafang từng tham gia nghiên cứu, cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi năng lượng. Việc thay thế than đá bằng khí tự nhiên trong dân cư đã giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí, đặc biệt trong mùa đông khi khí tượng không thuận lợi. Đồng thời, Bắc Kinh thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và phương tiện giao thông bền vững như xe điện, vừa giảm ô nhiễm vừa tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo GS Yafang, việc triển khai mô hình này cần kết hợp giữa đầu tư hạ tầng, chiến dịch truyền thông, và cung cấp nguồn năng lượng sạch. Sự đồng thuận của cộng đồng là yếu tố quyết định để thành công.

GS Yafang nhận định để giảm ô nhiễm không khí, cần sự hợp tác quốc tế và đầu tư dài hạn. Mặc dù chi phí ban đầu có thể cao, nhưng những lợi ích lâu dài về môi trường và sức khỏe là vô giá. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các quỹ nghiên cứu quốc tế và tổ chức môi trường... để tìm kiếm giải pháp bền vững cho tương lai.

Tin cùng chuyên mục