Ký khống nhiều giấy tờ
Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự liên quan tới hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã làm rõ thêm các hành vi “giúp sức” của các cá nhân thuộc Faros. Một trong những người đó là đối tượng đang bỏ trốn Doãn Văn Phương (47 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa; có hộ khẩu tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Đến nay, căn cứ tài liệu điều tra, C01 xác định, khi đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Phương được giao thêm chức Chủ tịch HĐQT Faros. Với vai trò của mình, Phương đã chỉ đạo các thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc và các cá nhân thuộc Faros ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên rồi chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
C01 xác định, Phương đã chỉ đạo và trực tiếp ký các tờ trình, biên bản, nghị quyết của HĐQT để ra chủ trương về việc tăng vốn khống và chủ trương đăng ký niêm yết cổ phiếu của Faros trên sàn chứng khoán.
Với danh nghĩa cá nhân, Doãn Văn Phương đã ký hợp đồng với nội dung “Nhận chuyển nhượng 675.000 cổ phần của Nguyễn Văn Mạnh tại Faros nhưng không phát sinh thanh toán để đứng tên làm cổ đông góp vốn". Sau khi trở thành cổ đông góp vốn, Phương ký khống 4 giấy nộp tiền góp vốn khống và 2 ủy nhiệm chi khống để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền hợp thức làm tăng khống số vốn góp mang tên Doãn Văn Phương tại Faros từ 675 triệu đồng tương đương 675.000 cổ phần lên thành hơn 77,6 tỷ đồng, tương đương hơn 7,7 triệu cổ phần. Trước khi niêm yết, Phương đã trả lại hơn 7,7 triệu cổ phần cho Trịnh Văn Quyết bằng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng không phát sinh thanh toán tiền. Đây là một trong những cách thức mà Phương làm để giúp sức cho Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Qua đó, Phương được hưởng lợi 500.000 cổ phiếu với trị giá trị phát hành là 5 tỷ đồng. Hành vi của Doãn Văn Phương đã cùng Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống giá trị vốn góp tại Faros, đăng ký niêm yết và bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tới nay, Doãn Văn Phương đã bỏ trốn, tài liệu điều tra xác định, ngày 27-3-2022, Doãn Văn Phương xuất cảnh, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam, đã xác minh ở nhiều nơi nhưng không tìm được. C01 tách hành vi, tài liệu có liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ”của Doãn Văn Phương để điều tra xử lý sau.
Trong phi vụ nâng khống vốn điều lệ tại Faros, bị can Trịnh Văn Đại được Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) nhờ đứng tên Chủ tịch HĐQT Faros, Phó Tổng Giám đốc Faros, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và xây dựng Đô Thành Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại SCO, nhưng thực tế Huế là người quản lý con dấu, điều hành mọi hoạt động của 3 công ty nêu trên.
Với vai trò của mình, Đại đã ký khống nghị quyết, hợp đồng, chứng từ để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ tại Faros. Tại cơ quan điều tra, Trịnh Văn Đại khai nhận toàn bộ hành vi của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không được hưởng lợi từ hành vi sai phạm của mình, chỉ được hưởng lương 39 triệu đồng/tháng với vai trò là Phó Trưởng phòng Vật tư của Công ty TNHH một thành viên FLC Land và 41 triệu đồng/tháng với danh nghĩa Phó Tổng Giám đốc Faros. Trịnh Văn Đại được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế.
Hơn 200 người giúp sức cho hành vi lừa đảo của Trịnh Văn Quyết
C01 xác định, tới nay có 210 đối tượng thuộc Faros và các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC, là người thân trong gia đình Trịnh Văn Quyết có liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Trong đó xác định nhóm 187 người liên quan tới hành vi lừa đảo.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2022, 187 cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC và các công ty liên quan; người thân, bạn bè của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế có hành vi ký các chứng từ (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền) để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền vào, ra khỏi tài khoản của Faros và nhiều công ty khác nhau, tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản để giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và đồng phạm hạch toán kế toán hợp thức việc thu hồi công nợ, thu hồi các khoản đầu tư cũ, tạo các khoản công nợ, đầu tư tài chính mới nhằm hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết tại Faros.
Hành vi của nhóm người trên có dấu hiệu tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ” hoặc “Che giấu tội phạm”, nhưng khi các cá nhân ký chứng từ kế toán thực tế đều không biết bản chất các giao dịch chuyển tiền; các cá nhân không biết rõ tổng thể, toàn bộ dòng tiền liền mạch mà chỉ thực hiện ở từng khâu đơn lẻ trong phạm vi từng giao dịch của từng doanh nghiệp. Bản thân các cá nhân không được trao đổi, không biết, không tham gia vào lập hồ sơ góp vốn khống tại Faros; các cá nhân thực hiện hành vi với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, là nhân viên làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ việc làm của mình. Do đó, C01 không xem xét xử lý hình sự đối với 187 cá nhân.
Trong khi đó, nhóm 23 người là nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC, là người thân họ hàng trong gia đình Trịnh Văn Quyết, có hành vi giúp sức cho Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” được xác định đều có hành vi cho Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân để Huế làm hồ sơ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, sau đó giao cho Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Hành vi của 23 cá nhân có dấu hiệu tội “Thao túng thị trường chứng khoán” nhưng tham gia thực hiện với vai trò thứ yếu, lệ thuộc; khi thực hiện hành vi vi phạm không hiểu rõ bản chất là để giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán ”, không được hưởng lợi ích vật chất nên không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.