Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Sâu sắc, phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã phát huy được tính tranh luận của ĐBQH đối với 4 Bộ trưởng. Bên cạnh đặt câu hỏi, có rất nhiều ĐBQH giơ bảng để tranh luận đến cùng các vấn đề. Thậm chí, nếu ĐBQH chưa chấp thuận câu trả lời của các Bộ trưởng hoặc các nội dung ở tầm bao quát Chính phủ, liên quan đến nhiều bộ ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tọa kỳ họp còn yêu cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng liên quan ngành trả lời thêm để ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân cả nước rõ thêm vấn đề.
Đặc biệt, tại phiên chất vấn lần này, ĐBQH còn tranh luận và phản biện ý kiến của nhau để làm rõ các vấn đề hơn chứ không chỉ bó hẹp ĐBQH chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng. Điều này thể hiện tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của ĐBQH đối với những vấn đề nóng của thực tiễn, những vấn đề liên quan đến sự cuộc sống của cử tri và nhân dân cũng như sự phát triển của đất nước.
Trừ Bộ trưởng Bộ Y tế thì 3 Bộ trưởng còn lại lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Tuy nhiên, các Bộ trưởng đều rất bình tĩnh, trả lời đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn dễ hiểu và không né tránh trách nhiệm với những vấn đề chưa làm được. Các Bộ trưởng cũng đã có những lời hứa để thực hiện trong thời gian tới. Những nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết chất vấn để Quốc hội tiếp tục giám sát để sang Kỳ họp thứ 6 năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết chất vấn lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng từ đầu Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 6.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM): Nhiệt huyết thì rất nhiều nhưng giải pháp chưa rõ
Có nhiều ý kiến “chê” câu hỏi chất vấn của một số ĐBQH, nhưng cũng phải thông cảm trong một khoảng thời gian ngắn, khó để chuyển tải hết ý. Mặt khác, mỗi ĐBQH thì đại diện cho cử tri của mình với những thực tế sống động của nơi mà ĐB đại diện nên không tránh khỏi nhiều câu hỏi “vụn”.
Tôi là ĐBQH từ Quốc hội khóa 13, có điều kiện để so sánh giữa khóa này và khóa trước, tôi thấy các ĐB đã ngày càng chuyên nghiệp hơn, đi thẳng vào câu hỏi, không lòng vòng, ve vuốt. Đôi khi ĐBQH cứ sợ Bộ trưởng là người “mong manh dễ vỡ” nên đặt câu hỏi cứ vòng vèo, rào trước đón sau, sợ Bộ trưởng buồn, nhưng bây giờ ĐB đã không còn mất thời gian cho việc đặt câu hỏi dài dòng. Câu hỏi đã trực diện hơn.
Về chất lượng trả lời của các Bộ trưởng thì phần nào thể hiện được năng lực của Bộ trưởng và hoạt động của bộ đó. Bộ trưởng có nắm được vấn đề, sâu sát thực tiễn không, có nhiệt huyết để giải quyết công việc, có giải pháp hay không... thể hiện qua trả lời chất vấn.
Nhận xét chung thì các Bộ trưởng trong kỳ này trả lời chất vấn tương đối đồng đều, trả lời thẳng vào câu hỏi, không vòng vo. Tuy nhiên, trả lời thẳng vào câu hỏi không có nghĩa là lúc nào cũng có câu trả lời, đặc biệt là đối với những giải pháp và những vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Ví dụ phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho thấy một nhiệt huyết, tâm huyết làm sao để giải quyết được những tồn đọng. Nhiệt huyết thì rất nhiều nhưng đi vào giải pháp thì tôi lại chưa hài lòng lắm với cách trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng chưa phân tích về nguồn gốc của những khủng hoảng thừa nông sản, đặc biệt là thừa thịt heo vừa qua. Nếu chưa thấy rõ, hoặc vì lý do nào đó mà tránh né. chưa thẳng thắn đưa ra đúng nguyên nhân thì giải pháp cũng sẽ rất xa vời, và sau thịt heo sẽ là thừa những sản phẩm khác nữa.
Còn với y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế là Bộ trưởng duy nhất tái cử của Chính phủ nhiệm kỳ này, đã có kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề của ngành. Những tồn tại của ngành y tế là không mới, những giải pháp cũng không mới, vấn đề là huy động được sức mạnh của toàn ngành để làm. Tuy nhiên, giá mà chúng ta chỉ rõ ra được những tồn tại bao nhiêu năm như vậy thì nó kẹt ở chỗ nào để giải quyết. Chứ còn chỉ hô hào y đức thì không thể giải quyết được, bởi bản thân ý bác sĩ, khi để xảy ra sự cố cho bệnh nhân thì họ đã đau đớn, day dứt thế nào. Hay vấn đề nhân lực ngành y tế vừa thiếu vừa yếu thì phải có giải pháp căn cơ, chứ không chỉ là tăng cường số đào tạo hàng năm vì cơ sở vật chất các trường y rất hạn chế và cách sử dụng nhân lực thì vô cùng lãng phí. Chúng ta vẫn chưa tìm được mô hình phù hợp nhất cho y tế cơ sở. Đó là điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế chưa làm rõ được.
Dù sao thì chất vấn lần này rất có sinh khí vì ĐB không “ưng” với câu trả lời của Bộ trưởng thì giơ bảng tranh luận lại ngay, rất chủ động, thực sự là một cuộc thảo luận ở hội trường, là đối thoại.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Cần quyết liệt để giải quyết những vấn đề mà ĐBQH đặt ra
Qua trả lời chất vấn của các Bộ trưởng cho thấy, dù mới chỉ nhận nhiệm vụ hơn 11 tháng nhưng đã nắm bắt được sâu lĩnh vực mình quản lý, những điểm nghẽn. Qua trả lời của Bộ trưởng, các ĐBQH cũng nhận rõ được bức tranh sinh động của từng lĩnh vực. Tuy nhiên, do thời gian ít và do các câu hỏi rất rộng nên trả lời của các Bộ trưởng cũng chỉ đáp ứng được những nội dung chính của từng câu hỏi, chứ chưa đáp ứng được trọn vẹn. Theo tôi như thế cũng tạm đạt rồi.
Vấn đề là sau chất vấn, các Bộ trưởng sẽ triển khai như thế nào về những nội dung mà ĐBQH phản ánh, những tâm tư mà ĐB gửi gắm. Cần có sự quyết liệt để giải quyết những vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Bây giờ cử tri theo dõi phát thanh truyền hình trực tiếp cũng rất nhiều nên họ cũng sẽ dõi theo, giám sát các Bộ trưởng. Làm sao để cử tri thấy Bộ trưởng nói phải đi liền với hành động, thấy một Chính phủ rất minh bạch, kiến tạo, hành động.
Trong 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn tôi thấy Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Y tế trả lời trọn vẹn hơn.