Tiếp theo Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 được tổ chức vào cuối tháng 6-2020, sáng nay 27-8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8 đã tổ chức tại Hà Nội, do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì. Bộ trưởng kinh tế của 15 nước tham gia đàm phán RCEP đã tham dự hội nghị này theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị nhằm thảo luận và thúc đẩy đàm phán RCEP, hướng tới khả năng ký kết hiệp định này vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo RCEP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các nhà đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được từ đầu năm đến nay. Các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, bất chấp sự bùng phát kéo dài của đại dịch Covid-19.
Các bộ trưởng ghi nhận những tác động tiêu cực của Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức lớn cho sự lưu chuyển của các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực, bao gồm cả các nước tham gia đàm phán hiệp định quan trọng này.
Điều đáng ghi nhận là các thành viên tham gia RCEP vẫn cần đảm bảo việc mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, cũng như tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm phản ứng hiệu quả với Covid-19.
Các bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp định RCEP trong bối cảnh bấp bênh về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với Hệ thống thương mại đa phương mở, đồng bộ và dựa trên nguyên tắc.
Hội nghị nhấn mạnh vai trò của RCEP trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới và khu vực.
Các bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực và tiến triển trong đàm phán RCEP cho tới thời điểm này để có thể ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay. Các Bộ trưởng cũng tái khẳng định việc bỏ ngỏ cánh cửa tham gia đàm phán đối với Ấn Độ, không chỉ bởi Ấn Độ là nước đã tham gia ngay từ đầu, khi đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2012, mà còn vì những tiềm năng mà Ấn Độ có thể mang lại cho sự thịnh vượng chung của khu vực.
RCEP là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa 10 nước khối ASEAN với 6 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6 |