Vòng đàm phán từ ngày 8 đến 9-9 tại Los Angeles sẽ là cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng đầu tiên thảo luận về IPEF.
Các bộ trưởng sẽ bàn thảo việc xây dựng phương án đảm bảo cung cấp ổn định các sản phẩm quan trọng như chip điện tử, khoáng chất, đất hiếm, ngay cả trong thời điểm xảy ra các thảm họa tự nhiên và các tình huống bất ngờ khác. Các bên cũng có ý định tăng cường hợp tác trong các công nghệ năng lượng mới sử dụng hydro và amoniac, cũng như năng lượng tái tạo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố IPEF trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5 năm nay, được coi là sự tái cam kết Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. IPEF gồm 4 trụ cột chính sách là thương mại công bằng; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; năng lượng sạch cùng với cơ sở hạ tầng và phi carbon hóa, cũng như các biện pháp chống lại hành vi trốn thuế và tham nhũng. Để thể hiện tính linh hoạt, các nước tham gia đàm phán có thể chọn bất kỳ trụ cột nào trong số 4 trụ cột riêng lẻ nêu trên theo cách mà các chuyên gia thương mại gọi là phương pháp tiếp cận trụ cột phi tập trung.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chính phủ của Tổng thống Biden hy vọng các cuộc đàm phán liên quan đến từng trụ cột sẽ kết thúc sau 1 năm hoặc tối đa 18 tháng. Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 11-2023 được coi là thời hạn không chính thức để hoàn tất các thỏa thuận IPEF.
Một số chuyên gia hy vọng các bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận trong các lĩnh vực như thương mại và các vấn đề chuỗi cung ứng. IPEF hiện tại có 14 nước tham gia đàm phán, gồm: Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Fiji, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Brunei và Việt Nam.