Chiều 26-12, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, cho biết, đến nay, tổng số đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương là gần 80.000 người. Trong đó, các bộ, ngành đã giảm được hơn 5.500 người; số còn lại thuộc các địa phương.
Cũng theo ông Minh, trong năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Ông Vũ Đăng Minh thông tin tại buổi họp báo chiều 26-12. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Đến năm 2022, cả nước cũng giảm hơn 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm hơn 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp tham gia ý kiến với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện 13 dự thảo thông tư về vị trí việc làm công chức; 18 dự thảo Thông tư về vị trí việc làm viên chức.
Thông tin về việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ông Vũ Đăng Minh cho biết, bộ đã tham mưu Chính phủ trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 198 của Bộ Chính trị; đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức và giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật, thôi việc; tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa một số chủ trương, quy định mới của Đảng liên quan đến công tác cán bộ và nghiên cứu đề xuất một số cơ chế về thu hút, trọng dụng nhân tài; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đi đôi với việc rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho hay, bộ cũng đã tiến hành phân cấp triệt để công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn, đôn đốc các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành sửa đổi, bổ sung thông tư về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2025...
Cải cách hành chính được đẩy mạnh
Ông Vũ Đăng Minh cho biết, năm 2022, bộ đã tổ chức hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các bộ, các địa phương.
Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
Số liệu thống kê tính đến 30-11, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98%; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; việc triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước tại cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 97,45%; có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0.