Liên quan đến vụ “Khởi tố 11 bị can vụ cảnh sát chống buôn lậu bị bắt về tội... buôn lậu” như Báo SGGP đã thông tin, đến nay Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã làm rõ nhiều tình tiết cũng như vai trò của các bị can trong vụ án này.
Cảnh sát chống buôn lậu buôn lậu từ năm 2019
Công an TPHCM cho biết, qua nắm tình hình đơn vị phát hiện nhóm đối tượng có hành vi buôn lậu một lượng hàng hóa đặc biệt lớn. Các hàng hóa này là thiết bị, máy móc cơ giới cũ được nhập từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) về Việt Nam để tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính trong thời gian từ năm 2019.
Theo đó, các đối tượng lợi dụng chính sách cho phép nhập máy móc, thiết bị cơ giới, phụ tùng cũ phục vụ sản xuất thành lập nhiều pháp nhân, mở tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đối với loại hàng hóa nêu trên. Mục đích nhập khẩu được kê khai là sản xuất, nhưng thực chất là nhập tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.
Ngày 24-5-2021, Công an TPHCM cùng Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 1 dừng thông quan hàng hóa với 6 tờ khai Hải quan, khai báo, làm thủ tục cho 6 container hàng hóa là máy nén khí, máy cắt cỏ, máy tiện,… các loại. Lô hàng này do 4 doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai.
Qua làm việc, những người đi làm thủ tục khai toàn bộ các doanh nghiệp trên đều do Hoàng Duy Tiến, cán bộ cảnh sát đội Phòng chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) Công an TPHCM tổ chức thành lập. Các doanh nghiệp này chỉ sử dụng vào mục đích đứng tên, mở tờ khai Hải quan, làm thủ tục nhập khẩu lượng hàng hóa từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam.
Cơ quan chức năng xác định, toàn bộ hàng hóa đều nhập khẩu thuê cho người khác, không phải nhập về để phục vụ sản xuất như khai báo.
Những người giúp sức cho cảnh sát chống buôn lậu?
Qua điều tra, công an xác định Hoàng Duy Tiến là cán bộ cảnh sát đội Phòng chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) Công an TPHCM là chủ mưu. Tiến là người thành lập 47 pháp nhân, làm thủ tục nhập khẩu 1.282 container với giá trị tính thuế hơn 192 tỷ đồng là máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) về Việt Nam
Giúp sức cho Tiến ngoài 4 bị can bị bắt cùng thời điểm với Tiến còn có các bị can khác thuộc Công ty Giám định Đại Minh Việt. Đó là Dương Mạnh Linh, Trần Xuân Duận, Đinh Văn Hiên, Mai Đức Tài, Cao Đăng Minh, Võ Hoài Đức, Dương Quốc Hòa, Trần Đình Hùng, Trần Tấn Long, Trịnh Hoàng Phước, Đinh Quang Triều.
Theo quy định, hồ sơ nhập khẩu hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam bắt buộc phải có chứng thư giám định. Nghĩa là nếu không có chứng thư giám định hàng hóa thì không đủ điều kiện để được nhập khẩu.
Công an xác định các giám định viên, lãnh đạo Công ty Giám định Đại Minh Việt khi thực hiện giám định đã lập sẵn biên bản hiện trường trước khi đến giám định. Thậm chí hàng hoá không còn ở các container hàng, không còn hàng thực tế hoặc còn một số ít hàng hoá để ở kho, nhưng không có căn cứ xác định hàng hóa đó đúng là hàng cần phải giám định.
Các giám định viên vẫn lập hồ sơ giám định, hoàn thiện hồ sơ để các đối tượng có vai trò quản lý ký các chứng thư giám định... Các bị can này đã cung cấp 1.121 chứng thư giám định khống cho Tiến để nhập khẩu 1.254 container hàng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng với tổng giá trị khai báo để tính thuế là hơn 187 tỷ đồng.
Hành vi của những người đã ký chứng thư giám định là Linh, Duận, Hiên, Tài, Minh, Đức, Hòa, Hùng, Long, Phước và Triều đủ cơ sở cấu thành tội “Buôn lậu” theo khoản 4 điều 188 Bộ luật Hình sự. Trong 11 bị can vừa bị khởi tố, công an đã bắt tạm giam Linh, Duận, Hiên 4 tháng.
Trước đó, tháng 6-2021, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Duy Tiến, là cán bộ cảnh sát phụ trách chống buôn lậu của Phòng PC03, Công an TPHCM cùng một số bị can khác về tội “Buôn lậu”.