Báo SGGP số ra ngày 29-10 có đăng thông tin nội dung “Nâng chất nguồn nhân lực y tế cơ sở”, phản ánh đúng với thực trạng hiện nay. Theo dõi báo chí, được biết năm 2015, Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ được lâu, phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo… Theo TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách BV TP Thủ Đức, bệnh án điện tử giảm thời gian truy xuất từ 31 phút xuống còn gần 19 phút.
BV Bình Dân khám và điều trị hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú, gần 900 bệnh nhân nội trú mỗi ngày, từ năm 2022 đến nay, không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến hoàn thiện bệnh án điện tử. Theo Th.S Võ Thuận Anh, Điều dưỡng trưởng BV Bình Dân, điều dưỡng phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy mất khá nhiều thời gian, nay đã tích hợp thành 1 biểu mẫu điện tử.
Năm 2002, BV Selayang của Malaysia là cơ sở y tế đầu tiên trên thế giới vận hành mô hình “bệnh viện kỹ thuật số” - hoàn toàn không lưu trữ hồ sơ dưới hình thức giấy tờ.
Tôi thường khám chữa bệnh tại BV quận gần nhà theo trình tự: người bệnh xếp hàng lấy số thứ tự, nộp thẻ BHYT và CCCD để nhân viên y tế kiểm tra, cấp số thứ tự chờ bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc. Nhận đơn thuốc từ bác sĩ, lại chờ làm thủ tục nhận thẻ BHYT và phiếu nhận thuốc, trong đó người bệnh đóng phần viện phí đồng chi trả nếu viện phí vượt định mức theo quy định của BHYT. Khi nhận thuốc, người bệnh lại trình thẻ BHYT hay CCCD để nhân viên y tế kiểm tra trước khi cấp thuốc BHYT.
Nếu đi khám bệnh tại BV khác, tôi phải mua thêm sổ sức khỏe của BV mới, thậm chí một BV có 2 loại sổ khám bệnh, là sổ khám bệnh BHYT và sổ khám bệnh không BHYT. Với quy định khám ở BV nào phải có sổ khám bệnh của BV đó, nên lỡ mang nhầm sổ khám bệnh thì phải mua thêm sổ khác. Do thủ tục khám chữa bệnh chưa được cải tiến nên người đi khám BHYT chờ rất lâu mới lấy được số thứ tự, mất thời gian và rất phiền hà cho người dân.