
Vài năm trở lại đây, đông đảo khán giả yêu ca nhạc thành phố và những người quan tâm đến sự phát triển của nhạc Việt cảm thấy choáng ngợp trước sự xuất hiện ngày càng dày đặc tiếng Tây ghép với tên ca sĩ, tiếng Tây xuất hiện trên các bìa album. Chuyện “lai” nửa Tây nửa ta hiện được nhiều ca sĩ xem là mốt…
Từ tên ca sĩ…

Wanbi Nguyễn Tuấn Anh
Trong cuộc đua chen để nổi tiếng của giới ca sĩ, không thể không nhắc đến những cái tên làm nên câu chuyện. Tuy nhiên, những cái tên gây sốc… đặt cho ca sĩ trẻ cũng không thể làm những gương mặt, giọng ca ấy nổi bật hơn, chuyên nghiệp hơn, hát hay hơn…; nó chỉ để lại một vài ấn tượng về sự khác lạ trong một khoảng thời gian nhất định rồi chìm nghỉm.
Chính vì chạy theo quan điểm “ấn tượng đầu tiên” này mà hàng loạt ca sĩ và các bầu show đua nhau tìm kiếm và đặt tên cho ca sĩ sao cho nghe thật kêu, nhái theo tên tuổi ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Hồng Công, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Khoảng giữa thập niên 90, khi nam ca sĩ Lam Trường nổi tiếng thì trên thị trường âm nhạc xuất hiện hàng loạt nam ca sĩ tên Trường. Gần đây có trường hợp một ca sĩ lấy nghệ danh Đàm Vĩnh Hùng vì muốn “ăn theo” tên tuổi của đàn anh Đàm Vĩnh Hưng. Nhiều ca sĩ lại muốn tạo ấn tượng bằng cái tên kèm với nickname công chúa, hoàng tử.

Mickey Từ Minh Hy
Có ca sĩ “chịu chơi” đổi tên mình thành Quách Thành Danh nghe như có “họ hàng” với thiên vương Quách Phú Thành (Hồng Công). Rồi những cái tên nghe quen quen, na ná tên diễn viên, ca sĩ châu Á như: Châu Gia Kiệt, Lâm Chí Khanh, Lưu Gia Bảo, Lâm Chấn Huy…
Đến vài năm trở lại đây, thị trường âm nhạc lại sôi động với những cái tên nửa Tây nửa ta hoặc những cái tên rất Tây nhưng ca sĩ thì chính gốc Việt như: Wanbi Nguyễn Tuấn Anh, Mickey Từ Minh Hy, Brother A Tuấn Anh, Tim, Kiwi Ngô Mai Trang, nhóm ca Vboys, Titikid, F5, M4U…
Những cái tên được đặt nghe rất “kêu” nhưng đòi hỏi các ca sĩ phải cố gắng và nỗ lực nhiều lắm mới có thể tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng, bởi những khoảnh khắc nổi trội nhất thời không thể tạo được giá trị và chất lượng nghệ thuật đích thực. Thực tế, cách đặt tên gây sốc vẫn khó làm nên tên tuổi của những gương mặt trẻ.
… đến tựa album
Một số ca sĩ thừa nhận chuyện muốn đặt tựa tiếng Anh cho album vì muốn tạo sự mới lạ, nhiều khi là cách gây sốc để album thu hút khán giả, chẳng cần biết trong album có bài hát tiếng Anh hay không. Bởi tiếng Anh nghe nó… Tây, có vẻ như có giá trị hơn, “sang” hơn, “tầm cỡ” hơn là một album rặt tiếng Việt!?
Đặc biệt, có khá nhiều ca sĩ tên tuổi cũng có sở thích đặt tên tiếng Anh cho album của mình. Tên tiếng Anh được chọn lựa khá kỹ sao cho càng ngắn, càng dễ đọc, dễ nhớ… càng tốt. Các ngôn từ, câu chữ của thời vi tính cũng được cập nhật và sử dụng khá nhiều trong các album như: online, chat, email, Internet…
Chẳng hạn như album Yesterday and Now, To the Beat của Mỹ Tâm, Diamond Noir, Non stop của Hồ Quỳnh Hương, Chat với Mozart của Mỹ Linh, Candy – Viên kẹo mới của Thu Thủy, My way - Ngô Thanh Vân, Password… Internet love - Nguyên Vũ, Cool Boy - Cao Thái Sơn, Hot - Hoàng Hải…
Phải chăng đây là xu thế mới của ca sĩ để chứng tỏ mình đang hội nhập với quốc tế? Nhiều khán giả sau khi thưởng thức các album trên đều thắc mắc vì có nhiều album có tên nước ngoài rất “kêu” nhưng trong album không hề có một ca khúc tiếng Anh nào? Ca khúc trong album chỉ hát bằng tiếng Việt nghĩa là album phục vụ người Việt, không có hướng tung sản phẩm ra thị trường nước ngoài, vậy tại sao ca sĩ phải đặt tựa nước ngoài cho album?.
Bảo Lâm (SGGP 12G)