Ra biển lớn
Giữa tháng 6-2024, Hà Anh Tuấn Live concert “Sketch A Rose” đã diễn ra tại Nhà hát Esplanade (Singapore), đánh dấu hành trình mang âm nhạc Việt Nam đến những nhà hát biểu tượng trên thế giới của anh. Hơn 3.200 khán giả có mặt để thưởng thức các bài hát gắn với tên tuổi của Hà Anh Tuấn và cả những ca khúc mới lần đầu được giới thiệu. Cũng theo Hà Anh Tuấn, toàn bộ vé của đêm nhạc tiếp theo tại Sydney (Australia) đã bán hết, dù đến 29-9 mới diễn ra.
Trước đó, trong hai tháng 2 và 3-2024, ca sĩ Trọng Hiếu tổ chức Live Tour 2024 tại 5 thành phố ở Đức là Frankfurt, Remscheid, Munich, Berlin, Hamburg. Đây là tour diễn lớn nhất của anh sau 8 năm theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Xuyên suốt tour diễn, chiếc nón lá Việt Nam là đạo cụ đồng hành với Trọng Hiếu bên cạnh những ca khúc được trình bày bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh. Kênh truyền hình VOX của Đức đã thực hiện ghi hình toàn show diễn nhằm thực hiện một bộ phim tài liệu về Trọng Hiếu.
Hồi cuối tháng 4, ca sĩ Văn Mai Hương có đêm nhạc chủ đề TKO Concert 01 - Hương - Live in Tokyo thành công tại Hulic Hall Tokyo - Nhật Bản. Tiếp ngay sau đó là TKO Concert 02 - Ngô Kiến Huy - Fan Meeting in Tokyo diễn ra vào tháng 6. Cả hai đêm nhạc thuộc dự án Xin chào - Chắp cánh hình ảnh Việt bay xa của thương hiệu Xin Chào Live Music do người Việt tổ chức. Trong khi đó, Hiền Nguyễn Soprano và Quốc Đạt Bass - Baritone cũng đang sẵn sàng cho đêm hòa nhạc La Passione (Đam mê) sẽ diễn ra vào ngày 25-7 tại TP Milan (Italy).
Chất lượng âm nhạc
Chuyện nghệ sĩ Việt “bay show” nước ngoài trước giờ không phải hiếm nhưng thường là các hoạt động giao lưu nghệ thuật, biểu diễn cho các nhà tài trợ, đối tác hay trong chương trình của các ông bầu. Việc tổ chức những chương trình riêng là việc rất hiếm, có thể kể vài trường hợp như Hồ Ngọc Hà tổ chức liveshow Love Songs tại Mỹ năm 2017, Mỹ Tâm tổ chức liveshow Mối tình đầu Mỹ Tâm - 1st tại Hàn Quốc năm 2018 (do đối tác Hàn Quốc hỗ trợ) hay đêm nhạc Hello Osaka, I am Vũ Cát Tường tại Nhật Bản (năm 2018).
Đạo diễn Vân Trình, nhà sáng lập Xin Chào Live Music, cho biết, việc tự tổ chức chương trình ở nước ngoài là một sự mạo hiểm bởi rất khó để đánh giá khả năng thu hút khán giả của ca sĩ nên cũng khó để dự đoán khả năng thu hồi vốn bỏ ra.
“Phải mất 2 năm với hơn 20 chương trình chúng tôi mới dần định lượng được nhu cầu của từng tệp khán giả đối với các ca sĩ để có những tính toán phù hợp. Tuy nhiên, có một điều cần ghi nhận là chúng ta đang có một thế hệ nghệ sĩ, đội ngũ sản xuất Việt ngày càng tài năng, tiệm cận ngành công nghiệp biểu diễn của thế giới. Đó là một lợi thế quan trọng trong việc đưa nghệ sĩ Việt tiến ra sàn diễn thế giới”, đạo diễn Vân Trình chia sẻ.
Tuy nhiên, đạo diễn Vân Trình cũng như nhiều nhà tổ chức khác đều nhìn nhận, dù số lượng chương trình của nghệ sĩ Việt tại nước ngoài tăng nhanh và là tín hiệu đáng mừng, nhưng để nói rằng nhạc Việt hay ca sĩ Việt đang vươn tầm quốc tế thì cần phải có thời gian. Ngôn ngữ vẫn là một rào cản để nhạc Việt chinh phục khán giả nước ngoài nên đối tượng khán giả chính hiện vẫn là các Việt kiều. Chi phí tổ chức các chương trình tại các nước rất cao cũng là một thách thức, nhất là ở các quốc gia phát triển.
Thước đo thành công của chương trình biểu diễn ở nước ngoài của các ca sĩ Việt cuối cùng vẫn là dựa trên lượng vé bán ra. Cũng vì thế, để thu hút khán giả, từ Việt kiều đến những người dân tại các địa phương, đòi hỏi nghệ sĩ, các nhà tổ chức phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu thưởng thức của khán giả để có những phương cách tiếp cận, quảng bá hiệu quả. Và điều quan trọng nhất để mang đến thành công sẽ là chất lượng âm nhạc mà nghệ sĩ mang đến cho khán giả, mới lạ, độc đáo và mang đậm bản sắc quê hương, thương hiệu của các nghệ sĩ Việt Nam khi đến với thế giới.