Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn từng là một biên tập viên kỳ cựu với khoảng 30 năm làm việc trong ngành xuất bản, ông đã từ Hà Nội bay vào TPHCM để tham dự chương trình lần này. Diễn giả chia sẻ nhiều điều về lịch sử xuất bản ở Việt Nam thời phong kiến và thời Pháp thuộc, đặc biệt là những ảnh hưởng của một số ngành xuất bản các nước có quan hệ đến đời sống xuất bản Việt Nam trong các thời kỳ đó.
Theo ông, nỗ lực của các nhà làm sách trong việc mang lại những giá trị văn hóa tinh hoa từ thế hệ trước cho người đọc hôm nay hay thông qua việc chuyển ngữ nhiều sách ngoại văn ra tiếng Việt là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu hụt nguồn nhân lực làm sách chuyên nghiệp, vẫn còn kiểu “viết văn hay cho qua làm xuất bản” gây nên những hệ lụy không đáng có.
Ông cho rằng “Đã đến lúc cần có các Đại gia ngành xuất bản, đủ tài lực, vật lực để thực hiện những dự án xuất bản lớn”. Ông lấy ví dụ "ông trùm" Khai Trí trước năm 1975.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt trao sách cho bạn đọc đấu giá thành công.
Cũng là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm sách, nguyên là Giám đốc NXB Trẻ nay là phó giám đốc Công ty Đường sách TPHCM, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho biết: Thực ra hiện nay cũng đã có một số “ông trùm” trong thị trường sách, họ thông qua các công ty sách tư nhân của mình đang làm ra sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành sách (theo thống kê là hơn 70%). Thậm chí nếu xét về quy mô cũng như năng lực thì họ chẳng thua gì "ông" Khai Trí ngày trước.
Tuy nhiên việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại gia này phát huy hết năng lực vẫn còn là một điều cần phải xem xét thêm. Đặc biệt bà cho rằng vai trò của các cá nhân như vậy cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi mạng xã hội đang phát triển quá nhanh, việc chia sẻ, trao đổi sách trực tuyến đã làm thay đổi rất nhiều đời sống xuất bản hiện nay.
Ca sĩ Đức Tuấn "phiêu" trong Tình ca phố của nhạc sĩ Quốc Bảo
Làm dịu đi không khí tranh luận có phần trở nên “nóng bỏng”, ca sĩ Đức Tuấn, vị khách mời đặc biệt của chương trình đã thể hiện nhiều ca khúc trữ tình sâu lắng. Dưới những hàng cây xanh của Đường sách TPHCM, giọng ca cao vút của của chàng ca sỹ 8X tạo một ấn tượng rất lạ trong lòng khán giả là những bạn đọc tại đường sách. Đức Tuấn cũng cho biết sách là một tình yêu quan trọng của anh bên cạnh âm nhạc, từ bé Tuấn đã thích đọc sách, rồi sau này trở thành cậu học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong rồi sinh viên Đại học Ngoại Thương, sách luôn là người bạn đồng hành với anh.
Buổi đấu giá sách thu hút đông đảo bạn đọc
Chương trình tiếp nối với phần đấu giá sách ủng hộ Quỹ Hoa Sen, thành lập thư viện Nguyễn An Ninh. Với bước giá tối thiểu là 100.000 đồng, phiên đấu giá diễn ra vô cùng sôi nổi, hào hứng. Không chỉ những người có mặt tại Đường Sách mà cả người yêu sách ở các tỉnh, thành khác cũng liên tục gọi về đường dây nóng để ra giá.
Các ấn bản đặc biệt trong đợt đấu giá lần này gồm: Bộ bốn ấn phẩm dị bản dành riêng cho sự kiện Về chốn thư hiên 2017, tất cả đề có thủ bút, và lời đề tặng của các tác giả hoặc dịch giả.
Đó là các cuốn sách: Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài (Tác giả Lê Nguyễn), Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 (tác giả Lê Tiến Công), Kẻ trộm sách (Tác giả M. Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch), Người xa lạ (Tác giả Albert Camus, Thanh Thư dịch).
Mức giá khởi điểm cho bộ ấn phẩm là 1 triệu đồng. Bộ ấn phẩm mang tính chất có một không hai này, cuối cùng đã thuộc về người ra giá 10 triệu đồng.
Kế đó là Tác phẩm Nằm vạ của Bùi Hiển, NXB Đời nay xuất bản năm 1941; tác phẩm đoạt giải thưỏng Tự lực Văn Đoàn. Đây là ấn bản đặc biệt được đánh số III, có thủ bút và chữ ký của tác giả với lời đề tặng Nhà văn, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan. Một điều thú vị là trên ấn phẩm này có bút tích tác giả đích thân sửa chữa các lỗi ấn loát.
Mức giá khởi điểm cho ấn phẩm này là 3 triệu đồng. Việc mở rộng livestream và đấu giá qua điện thoại càng khiến cho chương trình thêm hào hứng khi nhiều người yêu sách ở các nơi khác cũng tham gia đấu giá.
Cuộc so kè càng lúc càng nóng hơn khi các mức giá liên tục được nâng lên từ con số khởi điểm 3 triệu đồng. Mỗi khi MC vừa chốt giá lần hai để chuẩn bị tuyên bố đấu giá thành công ở lần chốt giá thứ ba, thì lại có một cánh tay đưa lên, hoặc một cuộc điện thoại từ đường dây nóng ra mức giá mới. Cuối cùng, ấn bản “Nằm vạ” quý giá đã thuộc về sở hữu của một nhà sưu tầm ẩn danh với mức giá 35 triệu đồng. Đây cũng là người đã mua được bộ 4 dị bản Về chốn thư hiên.
Tổng số tiền 45 triệu đồng thu từ việc đấu giá được chuyển cho Quỹ Hoa sen, phục vụ dự án xây dựng thư viện Nguyễn An Ninh.