Phấn khởi từ rẫy cà phê
Năm nay, nông dân Tây Nguyên đón một cái tết cổ truyền vui vẻ, phấn khởi. Những ngày giáp tết, bà con hồ hởi mua sắm và trang hoàng nhà cửa. Ở TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, thị trấn Phước An (tỉnh Đắk Lắk), TP Pleiku, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), TP Kon Tum, thị trấn Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), TP Gia Nghĩa, thị trấn Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông)…, nông dân đua nhau đến showroom “tậu” xe hơi. Không khí phấn chấn này đến từ vụ thu hoạch cà phê 2024-2025 với mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.
![Một quán cà phê KCoffee (quận 1, TPHCM) đông khách ngày cuối tuần dịp năm mới 2025 J5c.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evesfnbfjpy/2025_02_10/j5c-173-1363.jpg.webp)
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, đánh giá, niên vụ 2024-2025 đầy thách thức nhưng cũng có nhiều điểm sáng. Tây Nguyên, vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước, tiếp tục đối mặt với biến động thời tiết. Tuy nhiên, nhờ vào sự chủ động thích ứng của nông dân, cùng với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương, chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Một xu hướng đáng mừng là bà con ngày càng quan tâm đến canh tác bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA), các mô hình nông nghiệp xanh để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tác động môi trường và tăng giá trị thương mại. Phúc Sinh Group, Vĩnh Hiệp, Hoa Trang Gia Lai, Simexco Daklak và một số DN xuất khẩu nông sản ở Tây Nguyên... đồng hành nông dân kỹ thuật canh tác, hỗ trợ thu mua với giá tốt hơn cho các sản phẩm đạt chuẩn.
Định hướng nông nghiệp tái sinh
Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu hơn 264.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong số 915 triệu USD thu về từ cà phê xuất khẩu, có trên 783 triệu USD là cà phê nhân; cà phê hòa tan đạt gần 132 triệu USD. Năm 2024 cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Gia Lai đạt 620 triệu USD, dẫn đầu trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Với tỉnh Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 đạt 280 triệu USD, tăng hơn 70% so với năm 2023…
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 154.635 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt 799,48 triệu USD. Trong đó, cà phê nhân đạt 137.568 tấn, kim ngạch 694,93 triệu USD, giảm 38,2% về khối lượng nhưng tăng 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ. Cà phê đã chế biến xuất khẩu được 17.067 tấn, kim ngạch 104,55 triệu USD. Năm 2024, Việt Nam đã xuất gần 1,35 triệu tấn cà phê, thu 5,62 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.
Nhận định về triển vọng của ngành hàng cà phê trong năm 2025, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group (trụ sở tại TPHCM), nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu ở Việt Nam, bộc bạch, giá cà phê trong nước vượt 130.000 đồng/kg là một cột mốc đáng chú ý. Giá cà phê tăng cao xuất phát từ nhiều yếu tố: nguồn cung cà phê Robusta sụt giảm do ảnh hưởng thời tiết tại Việt Nam và các nước sản xuất lớn như Brazil, Indonesia, cộng với nhu cầu tiêu thụ cà phê tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Về xuất khẩu, Việt Nam vẫn duy trì vai trò là nhà cung cấp cà phê Robusta số một thế giới. Tuy nhiên, khi giá cà phê ở mức cao, nhiều DN xuất khẩu cũng sẽ đối mặt với bài toán về nguồn cung và hợp đồng đã ký. Việc giá tăng nhanh có thể gây áp lực lên các đơn hàng đã chốt với mức giá thấp hơn, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hợp đồng.
Chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên cũng nhìn nhận, những năm gần đây, cây cà phê đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ, cũng như hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, thông tin, tỉnh sẽ ưu tiên đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt; tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm tạo ra vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn.
Nỗ lực sản xuất cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh, hướng đến ngành cà phê bền vững nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Định hướng đến năm 2030, Gia Lai sẽ giữ vững diện tích cà phê khoảng 100.000-110.000ha, nâng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, 4C, Organic… lên khoảng 80%.
Thương hiệu cà phê nội tăng thị phần
Tại TPHCM, trong vòng 10 năm trở lại đây đã bùng nổ các chuỗi cửa hàng cà phê. Katinat là thương hiệu khá nổi bật, bên cạnh các tên tuổi lâu năm. Tính đến đầu năm 2025, Katinat có khoảng 80 cửa hàng, tập trung tại các tỉnh thành lớn. Một DN hàng đầu khác tại TPHCM là Trung Nguyên.
Ngoài việc tập trung vào thị trường trong nước, Trung Nguyên đã liên tục ra mắt các cửa hàng tại Trung Quốc và Mỹ. Phúc Long, Highlands Coffee... cũng liên tục mở rộng số lượng các cửa hàng tại TPHCM và các tỉnh thành cả nước. Sau những “đại gia” kể trên, một số thương hiệu chuỗi cà phê nhượng quyền như cà phê Ông Bầu, GUTA Cafe, Cộng cà phê, KCoffee, Milano, Napoli… cũng phát triển rộng khắp TPHCM và vùng lân cận.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, tiêu thụ cà phê bình quân đầu người tăng từ 1,7kg cà phê năm 2015, lên 3kg trong năm 2025. Dự kiến năm 2025, tiêu thụ nội địa đạt 270.000-300.000 tấn/năm; tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm.