Cà phê “sốt giá”: Nông dân mừng, doanh nghiệp hụt hơi

Giá cà phê trong nước bắt đầu có dấu hiệu tăng từ giữa năm ngoái, khoảng 45.000 đồng/kg và đến nay đã tăng hơn gấp đôi, dự báo còn tăng thêm. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, người trồng cà phê hết sức phấn khởi sau nhiều năm giá cà phê ở mức thấp.

Giá bán tăng cao kỷ lục

Tây Nguyên hiện có khoảng 639.000ha cà phê. Thời gian qua, cà phê liên tục tăng giá. Điều này khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu cà phê trở nên sôi động. Đối với người nông dân, giữa cơn bão giá cà phê, người vui, người tiếc. Những ngày này, anh Phạm Thủ Công (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tất bật lo bón phân, tưới nước cho 3ha cà phê. Anh cho biết niên vụ vừa qua, trên diện tích này, gia đình thu được 10 tấn nhân. Anh bán làm 2 đợt, giá từ 63.000 đồng/kg đến cao nhất là 85.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, gia đình thu lời được 200 triệu đồng.

B1e.jpg
Giá cà phê tăng cao khiến các doanh nghiệp rang xay, chế biến gặp khó trong việc nhập nguyên liệu đầu vào. Ảnh: MAI CƯỜNG

“Cuối năm 2023, do cần tiền nên mình bán khi giá chưa cao. Còn nay giá lên cao kỷ lục, gia đình rất tiếc”, anh Công tiếc nuối.

Có nhiều nông dân trúng đậm vì biết chờ đợi cà phê lên giá. Ông Trần Văn Toàn (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ông có hơn 1ha cà phê. Niên vụ 2022-2023 vừa qua, gia đình ông thu hoạch được hơn 3 tấn cà phê nhân, sau đó chất kho chờ giá lên. Tuần qua, thấy giá cà phê lên cao, ông đã bán hơn 2 tấn với giá 98.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. “Hơn 30 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên tôi bán được cà phê với mức giá cao ngất ngưởng như vậy. Nếu giá cà phê ổn định như thế này thì nông dân làm cà phê chúng tôi lãi lớn”, ông Toàn vui sướng nói.

Tại Lâm Đồng, phần lớn lượng cà phê trong người dân đã được tiêu thụ từ lâu. Ông Lê Văn Thịnh (nông dân tại huyện Di Linh) cho biết: “Mỗi năm tổng sản lượng của chúng tôi đạt hơn 40 tấn, do không có kho bãi bảo quản nên thu hoạch đến đâu bán đến đó”.

B2b.jpg
Người dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê tại vườn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Bỏ thị trường trong nước, nhập hàng Ấn Độ?

Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng mạnh, ông Lê Đức Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, nói là do nguồn hàng trong nước thiếu hụt. Đơn cử như Đắk Lắk, những năm gần đây, sản lượng cà phê giảm do người dân chuyển đổi nhiều diện tích cà phê sang trồng sầu riêng và các loại cây trồng khác, khiến nguồn nguyên liệu đầu vào thu hẹp. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước tăng giá thu mua để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng thị trường.

Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui của người trồng cà phê, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay họ đang rất lo lắng với mức giá “nhảy dựng” như hiện nay. Ở thời điểm này, mua hàng về chế biến chỉ có thua lỗ. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Meet More Coffee, cho hay các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến của doanh nghiệp phải tạm dừng vì giá cà phê tăng mạnh, càng làm càng lỗ. Do vậy, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới. Với các hợp đồng đã ký trước đó không thể đàm phán, doanh nghiệp chấp nhận lỗ, nguy cơ mất thị trường khá lớn.

“Thực tế một số khách hàng quay sang mua cà phê của Ấn Độ với giá rẻ hơn khoảng 1.000 USD/tấn (ở mức 3.400 USD/tấn) so với giá cà phê của Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Luận nói. Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Công ty VI-EN Coffee (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, công ty chuyên rang xay, sản xuất, chế biến cà phê hạt và cà phê bột cung cấp cho thị trường các tỉnh trên cả nước. Giá cà phê tăng cao như hiện nay khiến công ty gặp khó vì nguyên liệu đầu vào quá cao. Ông Thắng dẫn chứng, đối với nguyên liệu cà phê xô, hiện giá công ty nhập đã gần 100.000 đồng/kg nhưng khi bán ra vẫn tuân thủ theo giá đã được công bố ở thời điểm cà phê còn giá thấp. Do đó, khi giá cà phê cao như hiện nay, biên độ lợi nhuận của công ty giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu tăng cao, lượng tồn kho niên vụ 2022-2023 ở mức thấp, nên nhiều doanh nghiệp chế biến thiếu hụt nguyên liệu. “Doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường để ký kết các hợp đồng xuất khẩu. Nên áp dụng hình thức mua ngay bán ngay nhằm chủ động điều tiết, cân đối cung cầu, hạn chế xuất khẩu và ký kết theo thời hạn, giảm bớt rủi ro thua lỗ. Hiệp hội cũng sẽ bám sát thị trường để kịp thời có thông tin, khuyến cáo cho các thành viên trong hiệp hội”, ông Nguyễn Hải Nam khuyến nghị.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) NGUYỄN NHƯ CƯỜNG:

Giám sát chặt chẽ việc mở rộng diện tích

Giá cà phê tăng từng ngày là tín hiệu đáng mừng cho người trồng cà phê ở nước ta. Tuy nhiên, các địa phương nên tập trung giám sát chặt chẽ việc mở rộng diện tích, phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch, không để tình trạng cà phê được giá thì ồ ạt trồng, đến lúc khó khăn lại chặt phá, chuyển đổi. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 600.000ha cà phê. Bộ NN-PTNT đã ban hành chương trình tái canh cà phê với mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là 107.000ha. Để ổn định thị trường, tránh tình trạng tư thương lợi dụng thời điểm giá cà phê nóng sốt để làm giá hoặc ép giá, các doanh nghiệp cần có kế hoạch bao tiêu, ký kết tiêu thụ với bà con trồng cà phê để đảm bảo số lượng đơn hàng đã ký kết với đối tác nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục