Giữ hàng chờ lên giá
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), những năm trước, tổng sản lượng cà phê thế giới dao động hàng năm 9,6 - 9,7 triệu tấn. Tuy nhiên, sang niên vụ 2017-2018, sản lượng cà phê thế giới tăng lên đến 10,3 triệu tấn, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Trong đó, quốc gia Brazil có sản lượng tăng 7% so với vụ trước đó. Do thị trường cung vượt cầu nên giá cà phê giảm mạnh và đây cũng là tình trạng chung của ngành cà phê thế giới.
Chính vì cà phê rớt giá nên sau khi thu hoạch, nhiều nông dân có vốn buộc phải “giữ hàng chờ giá”. Gia đình ông Mai Hùng (xã Quảng Tiến, huyện Chư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) hiện đang trữ trong kho 7 tấn cà phê nhân. Đây là số cà phê ông Mai Hùng thu được từ vườn cà phê 3ha trong niên vụ vừa qua. “Hồi thu hoạch, giá cà phê nhân hơn 33.000 đồng/kg. Tôi thấy giá này bán không đủ chi phí đầu tư nên cất vào kho chờ giá lên, còn tiền đầu tư vụ mùa cà phê mới thì vay được 200 triệu đồng. Nào ngờ bây giờ giá giảm hơn nữa, chỉ còn 31.000 đồng/kg nhân. Đã lỡ giữ hàng rồi thì giờ tiếp tục “ôm” chứ biết sao đây!”, ông Hùng nói giọng buồn.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, nhận định ở thời điểm hiện tại, 90% hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện đều nợ ngân hàng. Nguyên nhân do giá cà phê quá thấp, các hộ dân trữ hàng không bán; còn tiền chi tiêu, trang trải, tái đầu tư thì đi vay và nếu giá cà phê cứ giữ ở mức thấp như hiện tại thì nhiều gia đình khó trả được nợ ngân hàng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 204.000ha cà phê. Trong niên vụ vừa qua, tổng sản lượng cà phê của tỉnh ước đạt 435.000 tấn. Do giá quá thấp nên người dân giữ hàng không bán. Ước tính hiện tại, lượng hàng còn tích trữ trong dân khoảng 40% - 50% sản lượng thu hoạch.
Do giá thấp, người dân giữ hàng, mà nhiều đại lý, doanh nghiệp cà phê không thể mua đủ số lượng. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê An Thái, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho hay do giá quá thấp nên người dân trữ hàng, các đại lý thu mua cung cấp cho công ty gặp khó trong thu mua nguồn hàng. Thiếu hụt nguyên liệu nên công ty chấp nhận bù lỗ, mua giá cao hơn so với thị trường để đảm bảo cung ứng cho những đơn hàng đã được ký trước đó.
Cần tổ chức lại sản xuất
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng khi giá cà phê xuống thấp, nông dân và doanh nghiệp đều cùng gặp khó khăn. Vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng cà phê, như hỗ trợ giống, xây dựng mô hình, chính sách vay vốn ưu đãi để tái canh, hỗ trợ ngành hàng thông qua các dự án…
“Trong thời điểm hiện nay, người trồng cà phê cần thực hiện theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ nhóm hoặc hợp tác xã để có vùng nguyên liệu ổn định, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định; cần giảm giá thành ở các khâu đầu vào như giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới và lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đất không phù hợp do thiếu nước tưới, đất dễ ngập nước, đất có độ dốc cao, đất có tầng canh tác mỏng… trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhà quản lý và nhà khoa học; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như công nghệ tưới tiết kiệm, bón phân, thuốc qua hệ thống tưới”, ông Nguyễn Hoài Dương khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, xác nhận dù giá cà phê xuống thấp nhưng về cơ bản, đây vẫn là loại cây trồng có đầu ra ổn định do doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để xuất khẩu. Vì thế, để sản xuất cà phê trong thời buổi hiện nay, đơn vị khuyến cáo nông dân cần tập trung chăm sóc vườn cà phê đang cho thu hoạch theo hướng hữu cơ, giảm chi phí đầu tư. Nếu trồng mới, nên trồng xen các loại cây ăn quả, cây ngắn ngày vào vườn cà phê để tăng thu nhập.
Còn theo Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tùy vào điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, nông dân nên lựa chọn những loại cây trồng có thị trường tiêu thụ mạnh để trồng xen nhằm bù lỗ cho vườn cà phê ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, lựa chọn những giống cây cà phê có năng suất, chịu đựng sâu hại tốt, tăng cường sản xuất bằng phương pháp hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, nông dân cần tìm hiểu sâu kiến thức về nông nghiệp, áp dụng khoa học tiên tiến nhằm giảm nhân công, tiết kiệm phân bón nhưng vẫn có năng suất tốt. Ngành chức năng cần quy hoạch vùng, định hướng cho người dân phát triển cà phê đặc sản, thu hút các nhà đầu tư về địa phương, tăng cường chế biến sâu để nâng giá thành sản phẩm.