Văn phòng… lưu động
Lương của sinh viên mới ra trường, có mơ cũng khó mà chạm đến 10 triệu đồng/tháng, ly nước trên bàn đã 60.000 đồng, nhưng Trần Thanh Lan Hương (23 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh) thong thả vừa làm việc vừa thưởng thức. Hôm nào, chán ăn sáng bên ngoài, cô bạn gọi kèm phần bánh ngọt, vị chi một buổi sáng ngồi cà phê trên dưới 100.000 đồng, còn việc có làm xong thì hên xui.
Lan Hương chia sẻ: “Lúc trước, tôi cũng hay đổi qua đổi lại vài quán, nhưng sau thì thấy thích phong cách và nước uống ở đây, nên ngồi làm việc gần nửa năm nay rồi. Vài người bạn tư vấn tôi nên đặt chỗ ở không gian co-working space (tạm dịch: không gian làm việc chia sẻ) theo gói quý hoặc năm cho đỡ tốn kém. Nhưng tôi vẫn thích không gian quán cà phê hơn, đúng là tốn kém hơn một chút, nhưng mình thoải mái chọn đồ uống và muốn ngồi ở đâu tùy thích”.
Những “văn phòng lưu động” được lòng nhiều bạn trẻ bởi sự thoải mái, không phải lăn tăn công sở mặc gì, quy định ra sao… Tắt máy tính sau gần 3 giờ làm việc, Phan Quang An (24 tuổi, nhân viên thiết kế phần mềm, ngụ quận 8) chia sẻ: “Như tôi hiện tại, áo thun, quần ngắn vẫn ngồi làm việc thoải mái và chút nữa thì có hẹn thêm một bạn đối tác để trao đổi công việc. Ngồi làm việc ở quán cà phê như vậy đó, không lo bị soi, không lo sai quy định công ty, miễn sao bạn hoàn thành công việc đúng hạn, dù hơi tốn tiền nước, nhưng kệ, mình thấy thích và thoải mái là được”.
“Văn phòng lưu động” cũng có thể trở thành lớp học kèm, đi hai người nhưng gọi sẵn 3 ly nước vì cô gia sư cũng sắp đến, Châu Ái Kim (học sinh lớp 11, Trường THPT Tân Phong, quận 7) kể: “Thay vì học ở nhà em, hay nhà bạn em, một tuần có 2 buổi thôi, ra quán cà phê ngồi cũng không quá tốn tiền. Ngồi học bên ngoài, 3 cô trò dễ trò chuyện và cũng không bị ba mẹ theo dõi xuyên suốt. Tụi em chọn mấy quán có không gian yên tĩnh, đa phần mọi người tới quán ngồi làm việc, học bài hoặc trò chuyện cũng rất nhẹ nhàng, nên không bị phân tâm gì đâu”.
Đủ kiểu chiều thượng đế trẻ
Cuối tuần, quán cà phê I.Y (đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh) khá đông khách. Vài khách hỏi phía sau còn bàn trống không, chị H.Y. (33 tuổi, quản lý) ngại ngần: “Dạ còn nhưng hơi ồn chị nhé, vì có nhóm khách đánh bài”. Trên bàn còn vài cuốn sách chưa kịp cất, nhóm bạn trẻ độ tuổi học cấp 3, cười nói rổn rảng sau mỗi lần lật bài, tiền ăn thua cũng chỉ bằng một ly trà sữa. “Mấy bạn này là khách quen, tuần nào cũng ghé lại hai, ba lần, cũng ngồi đúng góc bàn phía bên đó, thường đánh bài, nhưng có bữa cũng thấy làm bài tập nhóm”, chị Y. kể thêm.
Và góc nhỏ trong cùng của quán, hai bạn trẻ dường như “mặc kệ thế giới”, mặc kệ tiếng ồn từ nhóm bạn đang chơi bài, miệt mài lật bài tarot. N.T. (19 tuổi, ngụ quận 7) kể: “Tuần này, gần như ngày nào em cũng kéo nó (ý nói cô bạn đang ngồi cùng) ra đây. Em biết coi tarot, nên tám chuyện một hồi thì coi cho nó vui thôi. Ở nhà em chán lắm, em ít nói chuyện với ba mẹ, còn chị gái và một đứa em trai cũng khó tâm sự, khó giải thích những gì mà em suy nghĩ, lúc nào chán quá thì em lại rủ bạn ra cà phê, hai đứa nói chuyện cho đã mới chịu về”.
Và “chiều” tới cùng sự riêng tư cho thượng đế trẻ, quán cà phê theo kiểu “giường tầng có rèm che” chậm chân là không còn chỗ. Gần 20 phút kiểm tra lại phòng khách đã đặt, còn đúng 1 phòng nhỏ, nhưng cũng chỉ trống trong 2 giờ, anh Trung Anh (34 tuổi, quản lý quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) chia sẻ: “Phòng có giường nằm và rèm che luôn kín khách, các bạn thường đặt trước qua fanpage quán. Mấy bạn trẻ thích cà phê kiểu này vì vừa có thể làm việc, có chỗ nghỉ lưng và không gian đủ riêng tư để trò chuyện”.
Chúng tôi rời đi, vì phòng chỉ còn trống đúng 2 giờ, khách sau chúng tôi là một cặp đôi trẻ măng, trên vai áo in logo trường cấp 3 các bạn đang học. Một phần nước cho 2 người, kèm 3 giờ nghỉ trưa ở cà phê phòng nằm dạng này cũng trên dưới 250.000 đồng… Thế hệ 9X như chúng tôi, lắm lúc cũng phải “nể” độ chịu chơi của gen Z bây giờ, khi những gì khiến bản thân thoải mái và thích thú, các bạn sẵn sàng chịu chơi và chịu chi.