Đảm nhận vai trò người diễn giả, NSƯT Hữu Danh đã dí dỏm dẫn dắt giới trẻ đến với một không gian sân khấu truyền thống đậm chất nghệ thuật, giúp khán giả mở rộng hiểu biết về loại hình nghệ thuật hát bội, với các dấu mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành và phát triển. Qua việc giới thiệu các loại nhạc cụ thường sử dụng trong hát bội cùng đặc tính rất riêng của sân khấu tuồng đã giúp khán giả cảm nhận sâu sắc về nghệ thuật hát bội.
Ngoài nội dung tuồng, hát bội còn ghi dấu ấn rất riêng qua cách hóa trang, vẽ mặt nạ hát bội: mặt đỏ (trung thần, nghĩa khí, can đảm, tận tụy, ngay thẳng), mặt xanh (thông tuệ, trung thành, sắc sảo, liều lĩnh, yểu mạng), mặt rằn (hung dữ, mạnh mẽ, nóng tính, sức khỏe hơn người), mặt trắng (xu nịnh, độc ác, xảo trá, đa nghi)…; qua ý nghĩa của râu và vũ đạo râu; các kiểu giọng cười trong hát bội; qua bộ giáp truyền thống, ngạch đợi - mão tướng... Các bạn cũng hiểu thêm rằng để vẽ mặt đẹp, đường nét sắc sảo, người nghệ sĩ cần cả năm để rèn tay vẽ; để vũ đạo đẹp cần phải học 3 năm; học cách cười hay, đúng cũng phải khổ luyện cả năm. Sau những nội dung diễn thuyết, các nghệ sĩ nhà hát đã lần lượt thị phạm một loạt vũ đạo cưỡi ngựa, chèo thuyền; vũ đạo với râu; cách kiểu cười nhân vật tiêu biểu trong hát bội để khán giả mục sở thị.
NSƯT Hữu Danh chia sẻ: “Tuy không có địa điểm biểu diễn ổn định, không có một nhà hát đủ chuẩn dành riêng cho nghệ thuật hát bội, nhưng mỗi năm nhà hát đều nỗ lực duy trì biểu diễn khoảng 140 suất tại các đình, chùa, sân khấu học đường, phục vụ các ngày lễ lớn. Để hát bội đến gần hơn với khán giả, nhà hát đã nỗ lực thay đổi cách làm nghề với quan điểm bảo vệ phải đi đôi với phát huy, sự biến đổi phải dựa trên nền tảng gốc. Từ đó, lời ca diễn trong hát bội được điều chỉnh, đã giảm bớt ngôn ngữ hán tự để khán giả dễ hiểu, dễ cảm”.
Sau 2 giờ diễn thuyết, biểu diễn, chương trình đã khép lại với sự quan tâm tìm hiểu của nhiều khán giả trẻ thông qua những câu hỏi thú vị dành cho ban tổ chức và các nghệ sĩ.