Cà phê bờ kè

Lần lữa mãi, chúng tôi cũng thực hiện được chuyến đi trở lại chiến trường xưa. Khác với hơn nửa thế kỷ trước, những xóm ấp xơ xác ngày xưa dọc quốc lộ 13 nay đã thành những phố thị sầm uất, tấp nập người, xe. Chúng tôi dừng chân tại ngôi làng nằm cách lộ không xa. Vũ  Quang (*) kể, nơi đây chiếc trực thăng quân sự của ông đã đáp xuống khẩn cấp khi trúng đạn của quân giải phóng vào Mùa hè đỏ lửa năm 1972...

1. Hơn 52 năm về trước, trong trận chiến khốc liệt trên đường số 13 đoạn từ Thủ Dầu Một dẫn ra biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa phận huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước hiện nay), chúng tôi đã có cuộc chạm trán khốc liệt.

caphe.jpg

Ngày ấy, sau khi tham gia giải phóng Lộc Ninh, làm cơ sở để xây dựng thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đơn vị chúng tôi được điều lên chốt chặn khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng. Phía bên kia, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải chiếm lại Lộc Ninh. Mất Lộc Ninh sẽ mất Sài Gòn”. Thực hiện kế hoạch ấy, Việt Nam Cộng hòa đã điều lực lượng tinh nhuệ nhất phản kích chiếm lại Lộc Ninh. Và, quốc lộ 13 - con đường huyết mạch dẫn tới Lộc Ninh, trở thành “cửa tử đẫm máu” giữa đôi bên.

Đơn vị chúng tôi được giao chốt chặn cản bước tiến quân của đối phương. Còn phi đoàn trực thăng của Vũ Quang được giao chở quân, trực tiếp chiến đấu với chúng tôi.

“Phải nói, lưới lửa phòng không nhiều tầng của mấy ông lúc ấy quá mạnh. Sau vài đợt đổ quân, máy bay của tôi bị trúng đạn. Tôi cố gắng lắm mới lái máy bay ra khỏi lưới đạn và đáp xuống cánh đồng gần ngôi làng này”, cựu phi công Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhớ lại, chia sẻ trong những lần chúng tôi gặp nhau sau nửa thế kỷ.

Nghe tình tiết câu chuyện, tôi không ngờ chiếc máy bay trực thăng Vũ Quang lái năm ấy do chính khẩu đội súng máy cao xạ 12 ly 7 của chúng tôi bắn hạ, dù hơn 52 năm trước, khi nghe qua đài vô tuyến của đối phương, chúng tôi biết là đơn vị đã hạ được máy bay của bên kia chiến tuyến.

Đó là một tình huống chiến tranh. Tôi cứ nghĩ câu chuyện hạ máy bay trên quốc lộ 13 trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972 cũng qua đi như biết bao câu chuyện tình huống chiến tranh khác. Và rồi, thật tình cờ câu chuyện này sống lại và gắn kết chúng tôi.

2. Cách đây gần 3 năm, một sáng sớm khi mặt trời chưa dậy, tôi ra hồ bơi Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TPHCM), gặp một người đàn ông có dáng người chắc nịch đang bơi cùng hồ. Nhìn cách ông bơi, tôi nghĩ ông là một tay bơi được đào tạo bài bản. Sáng hôm sau, tôi tìm chỗ thay đồ cùng ông trước khi xuống hồ và lân la hỏi chuyện. Một chút do dự, người đàn ông ấy mới cởi lòng. Ông là Vũ Quang, cựu đại úy phi công trực thăng thuộc phi đoàn 3 Không lực Việt Nam Cộng hòa, trước tháng 4 năm 1975. Biết tôi là “đối thủ” ngày đó, Vũ Quang không ngần ngại. Chúng tôi cởi mở tấm lòng, cùng ôn lại những năm tháng là “đối tượng tác chiến” của nhau. Cả hai cùng vỡ òa cảm xúc, càng gắn kết khi nhận ra chính khẩu đội súng máy cao xạ của chúng tôi đã hạ chiếc máy bay do Vũ Quang điều khiển.

3. Ở tuổi U80, hàng ngày, chúng tôi vẫn có mặt ở hồ bơi Rạch Miễu trước 5 giờ sáng. Như thế, chúng tôi có tới 30 phút hàn huyên, chia sẻ. Vũ Quang kể cho tôi nghe cuộc đời chinh chiến, thăng trầm của ông trước ngày đất nước thống nhất. Sinh năm Quý Hợi (1947) trong gia đình giàu có giữa “hòn ngọc Viễn Đông”, ngay từ nhỏ Vũ Quang đã được gọi là quý tử. Chàng quý tử ấy đậu tú tài thì được tuyển sang Mỹ học lái máy bay trực thăng phục vụ quân đội. Trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972, với quân hàm đại úy, Vũ Quang được giao chỉ huy phi đội máy bay trực thăng tham chiến tại mặt trận An Lộc (cùng cung đường nối với địa phận Lộc Ninh). Tại nơi đó, chúng tôi từng “quần nhau” để giành từng góc ruộng, bờ ao nơi vùng đất trắng ven quốc lộ 13…

Ngay thời điểm lịch sử 30-4-1975, người ta bố trí gia đình Vũ Quang lên máy bay đi “tị nạn”. Nhưng Vũ Quang và gia đình ông đã ở lại, như lời bộc bạch của vợ ông: “Đất nước mình, mình ở. Không đi đâu hết”!

“Ở lại có cái giá của sự ở lại”, Vũ Quang tâm sự. Từ một gia đình thượng lưu, trên nóc nhà có sàn đậu trực thăng, gần nửa thế kỷ qua, gia đình ông cũng như bao gia đình khác đã trải qua nhiều thăng trầm.

Vũ Quang chia sẻ: Đúng là cái gì cũng có giá của nó. Nay, bạn bè tôi định cư ở Mỹ lại đang muốn trở về quê hương. Lá rụng về cội mà. Tôi mới thấy quyết định ở lại của chúng tôi thật có hậu…

Vũ Quang say sưa nói như chưa bao giờ được chia sẻ cùng ai điều sâu kín này. Và chúng tôi càng thấu hiểu thêm “cái giá” của lựa chọn ở lại đã thành “giá trị” của sự ở lại, được chứng minh qua thời gian!

4. Sáng sớm nay, TPHCM chuẩn bị đón năm mới Ất Tỵ 2025. Làn sương mỏng như chiếc khăn voan trắng bảng lảng trên con đường dẫn ra hồ bơi. Ở tuổi U80, vị cựu phi công một thời vẫn cường tráng, lịch lãm, mẫn tiệp. Vũ Quang ghé tai tôi trước khi xuống hồ: “Bơi lên, mấy anh em ra cà phê bờ kè nhé. Thời tiết này, ngồi cạnh bờ kênh mà nhâm nhi giọt đắng thì thú vị lắm!”.

Cuối đông, 2024

(*) Nhân vật đề nghị đổi tên

Tin cùng chuyên mục