Năm học 2016-2017, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường lớp; khu vực miền núi, vùng sông nước vấn tồn tại nhiều điểm trưởng nhỏ lẻ, khó khăn trong đầu tư nguồn lực; ở một số địa phương vẫn còn tình trạng tùy tiện sát nhập trường mầm non với trường phổ thông...
Đáng chú ý, đến nay cả nước vẫn còn 90 đơn vị cấp xã còn trắng trường mầm non; còn 7.852 phòng học tạm, 6.249 phòng học nhờ, mượn; còn 18,7% nhóm/lớp chưa có đủ thiết bị, đồ chơi; các công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn còn thiếu thốn.
Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực thực hành, kỹ năng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn hàn chế, dẫn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thậm chí gây mất an toàn cho trẻ, ảnh hướng đến uy tín đội ngũ nhà giáo…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mặc dù đã có sự chuyển biến tốt nhưng toàn bậc học mầm non vẫn còn khoảng 30% phòng học tạm, học nhờ, mượn, còn nhiều trường học 1 buổi /ngày; số lượng trường chuẩn mới chỉ đạt 37%; công trình vệ sinh, phòng chuyên môn không đồng bộ. Đội ngũ giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều giáo viên mưu sinh bằng nghề còn khó khăn… Đó là nguyên nhân khiến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhiều nơi chưa tốt. “Các địa phương phải quy hoạch cho tốt mạng lưới trường, lớp, trên cơ sở đầu tư đồng bộ, trước hết là đáp ứng những điều kiện tối thiểu, sau đó là những điều kiện đảm bảo đạt chuẩn”, Bộ trưởng đề nghị.
Bộ GD-ĐT cũng đang rà soát và có kiến nghị với Chính phủ các chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non cũng như rà soát các chuẩn giáo viên, chuẩn các kỹ năng chăm sóc trẻ.