Lo sạt lở sau khi áp thấp nhiệt đới đi qua
Ngày 15-7, Đài Khí tượng - Thủy văn Kon Tum đã phát thông tin dự báo mưa lớn trên địa bàn từ ngày 15 đến 17-7, các khu vực như huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon Rẫy và TP Kon Tum…
Cùng ngày, theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Đắk Nông, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục có mưa. Lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún và ngập úng các vùng trũng thấp, khu vực có địa chất yếu kém. Do đó, các cấp ngành, đoàn thể, người dân cần có những biện pháp thích hợp để giảm bớt ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan đến đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất.
Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 15-7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp, hoàn lưu áp thấp cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, hạn chế tối đa sự tác động của loại hình thiên tai này đến tính mạng, cuộc sống và sản xuất của người dân. Sau khi áp thấp nhiệt đới suy yếu, các địa phương ven biển cần đề phòng mưa lớn. Cục Thủy lợi rà soát lại toàn bộ hồ chứa thủy lợi, hướng dẫn các địa phương tiêu úng kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Tây Nguyên, Nam Trung bộ ứng phó sạt lở
Khoảng 4 giờ sáng 15-7, người đi đường phát hiện căn nhà của ông Đặng Quang Lành cạnh quốc lộ 27 đoạn qua thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) bị đất sạt lở vùi lấp. Do lượng đất đá vùi lấp lớn đã khiến bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1984, vợ ông Lành) tử vong tại chỗ, ông Lành cùng 2 con trai 10 và 13 tuổi được sơ tán an toàn.
Ông Trương Hữu Đồng, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, thông tin: Công trình bị đất sạt lở vùi lấp đã xây dựng và sử dụng ổn định hơn 10 năm nay. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ gia đình ổn định cuộc sống; đồng thời chỉ đạo các xã trên địa bàn tiến hành rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở để cảnh báo đến với người dân.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao để kịp thời cảnh báo, thông tin đến người dân, du khách chủ động phòng tránh, lựa chọn hướng di chuyển phù hợp.
Tại Bình Thuận, người dân địa phương cho biết, khu vực đèo Đại Ninh trên quốc lộ 28B thường xuyên xảy ra sạt lở, nhất là vào mùa mưa. Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua quốc lộ 28B đang nâng cấp, cải tạo, đơn vị thi công đã đặt biển cảnh báo tại 2 đầu quốc lộ...
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong ngày 15-7, lực lượng biên phòng tuyến biển đã kiểm đếm và hướng dẫn thông tin cho 40.146 tàu (196.741 người) biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, cho biết, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại các xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy).
Theo đó, đường vào bản Trung Sơn (xã Trường Sơn) bị nước lũ từ thượng nguồn suối Cạc đổ về chia cắt hoàn toàn. Hiện tại nước lũ trên suối Cạc tiếp tục dâng cao, bà con không thể ra vào bản; các lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo cấm người dân qua lại trên tuyến đường này.
Đề cập vụ sạt lở đất làm 11 người thiệt mạng ở quốc lộ 34 thuộc huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) vào ngày 13-7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng cường khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông không nên di chuyển qua các khu vực nguy hiểm vào ban đêm, nhất là trong mùa mưa bão.