Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh SXH của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng công tác điều trị SXHD vẫn còn nhiều bất cập, sau một thời gian tạm lắng xuống thì năm 2017, dịch bệnh SXH quay trở lại bùng phát ở một số địa phương và đã có nhiều trường hợp tử vong.
Lý giải về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân mắc SXH, Bác sĩ Trương Ngọc Trung, cho rằng đa phần là do sốc SXH và suy đa cơ quan, trong đó việc điều trị, theo dõi không phù hợp từ tuyến dưới khiến diễn tiến bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong. Trong tổng số các ca tử vong, có đến 30% bệnh nhân không được chống sốc kịp thời, lựa chọn dịch truyền chống sốc không đúng, tốc độ dịch truyền không đúng phác đồ điều trị, không phân biệt được sốc do thất thoát huyết tương hay do quá tải dịch truyền. Bên cạnh đó một số trường hợp chỉ định truyền máu không phù hợp, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nhưng không được hỗ trợ đúng cách mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu…
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng rất nặng, chẩn đoán sai từ tuyến dưới và thậm chí là thực hiện chuyển viện không an toàn khi có trường hợp bệnh nhân suy hô hấp nhưng vẫn chuyển tuyến. Trong năm 2017, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 13 trường hợp trẻ tử vong do SXH.
Để hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, các đại biểu cho rằng, cần nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, nhất là các bệnh viện tuyến huyện và các phòng khám tư nhân, do đây là những nơi tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân. SXHD nặng tốt nhất nên giữ lại điều trị tại Bệnh viện tỉnh để tránh chuyển viện không an toàn.
Cùng với đó các BV tuyến tỉnh cần tăng cường hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh Nhiệt đới với các trường hợp SXHD nặng để được hướng dẫn cụ thể cách xử lý qua hệ thống smartphone, telemedicine...