Chiều 28-5, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về việc cả nước vừa hoàn thành cơ bản chương trình trồng rừng thay thế theo chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ yêu cầu.
Theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3-3-2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực thi hành đến 31-12-2017, tổng diện tích trồng rừng thay thế trong nhóm các dự án xây dựng công trình thủy điện là khoảng 22.300ha thuộc 332 dự án trên phạm vi 30 tỉnh, thành phố.
Sau khi có nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác. Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 4-2018, công tác trồng rừng thay thế về cơ bản đã hoàn thành.
Cụ thể, tổng kết đến tháng 4-2018, nhóm các dự án xây dựng công trình thủy điện đã trồng được trên 24.800ha rừng thay thế cho 324 dự án thủy điện tại 30 tỉnh và thành phố, hoàn thành 110% kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra. Trong đó, diện tích rừng đã trồng đạt trên 22.200ha, diện tích đã nộp tiền và đang tiến hành trồng rừng khoảng trên 2.500ha.
Tuy nhiên Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, mặc dù cả nước đã vượt chỉ tiêu mà Chính phủ yêu cầu (mức vượt tương đương gần 2.600ha) nhưng đến thời điểm hiện tại cả nước vẫn đang còn 29 dự án xây dựng công trình thủy điện (tương đương với khoảng 900ha) chưa tiến hành trồng rừng thay thế. Trong đó, có các dự án như Thủy điện Nậm Sọi, Thủy điện Nậm Công, Dự án mặt bằng công trình Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La); Thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế)…
Những địa phương làm tốt công tác trồng rừng thay thế trong thời gian qua là Lai Châu (trồng vượt 2.900ha), Thanh Hóa (trồng vượt 3.600ha), Nghệ An (trồng vượt hơn 400ha)… nên tổng diện tích trồng rừng thay thế tại 30 tỉnh, thành phố mới cao hơn chỉ tiêu đề ra.