Không xét nghiệm ồ ạt, gây lãng phí
Sau khi nghe ý kiến của tỉnh Hải Dương và các thành viên ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đến thời điểm này có thể nói, về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Phó Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống dịch tại Hải Dương. Cụ thể, sau khi điểm đúng ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra chiến lược phong tỏa trong phong tỏa và dần hoàn thiện.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn. Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được tiến hành để tránh lãng phí. “Hiện nay, chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân vì gây tốn kém, tạo tâm lý cứ nghi ngờ là xét nghiệm hoặc có kết quả âm tính lại chủ quan”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân rộng ra cả nước. Cùng với đó, tại những điểm nguy cơ cao, nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ…, việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Phó Thủ tướng lưu ý, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch vẫn phải sẵn sàng chống dịch như các địa phương khác trong cả nước. Bởi lẽ với đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì “không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng; lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay tỉnh đã có 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh. Số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các điểm nóng như huyện Cẩm Giàng và TP Chí Linh. Về xét nghiệm, tỉnh Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày và có thể nâng lên 120.000 mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành tầm soát diện rộng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, còn 1 tuần nữa hết giãn cách xã hội ở Hải Dương nên đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh cần tập trung, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Hải Dương triển khai theo đúng hướng dẫn là xét nghiệm diện rộng có chỉ định; đề nghị giao Sở Y tế chủ trì cùng với Sở LĐTB-XH, ban quản lý các khu công nghiệp đánh giá nguy cơ của từng nhà máy để làm căn cứ chỉ định xét nghiệm; đối tượng nguy cơ cũng phải có chỉ định và đơn vị xét nghiệm phải thông qua điều phối của CDC Hải Dương.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Tối 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 9 ca mắc mới dịch Covid-19 (từ ca thứ 2.393 đến 2.401) được ghi nhận tại Hải Dương 8 ca và Quảng Ninh 1 ca. Về tình hình điều trị, cả nước đã có 1.717 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 163 người đã âm tính.
Liên quan tới công tác phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương, Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa phê bình và yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể Ban Thường vụ cấp ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng vì đã tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt và hiệu quả sự lãnh đạo về phòng chống dịch Covid-19; giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời, hướng dẫn Ủy ban Kiểm tra cấp huyện ủy kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với nữ điều dưỡng Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng (bệnh nhân thứ 2.385) và bạn trai (bệnh nhân thứ 2.391, làm việc tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng) vì có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngày 23-2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã ký công văn yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, các trường hợp trốn tránh không khai báo y tế; khai báo không đúng sự thật; không chấp hành cách ly y tế, xét nghiệm… sẽ bị xử lý với khung quy định cao nhất hoặc truy tố trách nhiệm hình sự nếu đối tượng dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, liên quan trường hợp công nhân N.B.K (34 tuổi, quê Hải Dương) về quê ăn tết sau đó trở lại TP Đà Nẵng có triệu chứng ho, sốt, được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhưng tự ý trốn khỏi bệnh viện; bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, hiện lực lượng chức năng đang rà soát kỹ về lịch trình vào TP Đà Nẵng và phương thức đi lại của người này. Cụ thể, lực lượng y tế đang phối hợp với cơ quan công an tìm hiểu anh N.B.K có khai báo y tế hay không khi đến Đà Nẵng. Nếu không khai báo y tế thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ngày 23-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các thuyền viên của tàu OCEAN AMAZING. Theo đó, ngày 20-2, tàu OCEAN AMAZING trên đường giao hàng từ Indonesia sang Việt Nam thì có 1 thuyền viên tử vong chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 20/21 thuyền viên (trừ trường hợp thuyền viên tử vong), cho kết quả 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Được biết, các thuyền viên tàu OCEAN AMAZING chưa làm thủ tục nhập cảnh và các mẫu xét nghiệm của thuyền viên đã được chuyển Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm khẳng định.
Theo chủ tàu, trong trường hợp kết quả xét nghiệm vẫn dương tính, tàu sẽ quay về Indonesia thay thuyền viên, khử trùng tàu, rồi quay lại Việt Nam xếp dỡ hàng hóa.
Ngày 23-2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong lúc làm nhiệm vụ tại vị trí barie số 1 cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, lực lượng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát hiện, bắt giữ Vũ Ngọc Yên (34 tuổi, quê ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đang trốn trong cabin phía sau ghế lái xe tải 37H-003.60 nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam nhằm tránh bị kiểm tra y tế, cách ly tập trung.
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã làm các thủ tục theo quy định, đưa đối tượng vào khu cách ly tập trung ở ký túc xá Mitraco (thị xã Kỳ Anh).
Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Theo đó, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; những người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Trong năm 2021, COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam 4.886.600 liều vaccine ngừa Covid-19 của Astra Zenecca sản xuất (25-35% trong quý 1 và 65-75% trong quý 2). |