Ca bệnh 643-645 tại Quảng Nam, độ tuổi từ 35-67, liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng gồm: 1 bệnh nhân tại Khoa Nội - Thần kinh - Huyết học, Bệnh viện Đà Nẵng; 2 bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 555 (bệnh nhân tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng).
Ca bệnh 646-652 tại Đà Nẵng, độ tuổi từ 30-68, trong đó có 1 bệnh nhân là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng; 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng; 1 bệnh nhân là F1 đang cách ly tập trung tại Khu ký túc xá phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Tính đến sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 652 ca mắc Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng từ ngày 25-7 đến nay là 205 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 133.279 người.
Về tình hình điều trị, cả nước đã có 374/652 ca bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 58,3% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 21 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nước ta vẫn là 6 trường hợp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong bệnh viện, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Theo đó, để hạn chế tối đa các hậu quả của dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
Với các cơ sở y tế: thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27-7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng, và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành. Khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh. Thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực.
Đồng thời tổ chức rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Sàng lọc kỹ lưỡng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2.
Thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa không quá 3 tháng cho tất cả các đối tượng. Đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương và điều chỉnh trên phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các trường hợp có nguy cơ cao khác hạn chế tối đa việc ra ngoài. Khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.