Nội dung được thảo luận nhiều là chính sách cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để bảo vệ rừng theo hình thức giao khoán còn rất bất cập. Hiện nay, diện tích giao khoán bình quân của mỗi hộ gia đình bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên chỉ có không quá 30ha, trong khi đơn giá hỗ trợ mức khoán hiện nay chỉ 300.000 đồng/ha/năm. Tính ra, nếu được giao tối đa 30ha thì mỗi năm, mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 9 triệu đồng, như vậy là rất khó khăn. Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ, điều chỉnh mức đầu tư phù hợp với thực tế.
Theo Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đầu tư 50.231 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản.