Theo đó, quan điểm được lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ rõ là khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; với mục tiêu yêu cầu đảm bảo chất lượng công trình, không để thất thoát ngân sách Nhà nước; xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan một cách nghiêm túc, đúng quy định và điều kiện cụ thể.
Theo kết luận Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5, hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau để xảy ra tồn tại, vi phạm như: Tháng 10-2010, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây chưa khả thi nên phải điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh, chủ đầu tư đã thực hiện xong hạng mục đo đạc bản đồ, kiểm kê phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và hạng mục rà phá bom mìn trên diện tích được phê duyệt nên toàn bộ chí phí này không phục vụ cho dự án gây lãng phí ngân sách nhà nước trên 25,4 tỷ đồng. UBND tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư đường và cầu giao thông cùng với việc nâng cấp đê biển theo nhu cầu thực tế của địa phương nhưng chưa báo cáo Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT để phối hợp rà soát trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ngoài ra, dự án điều chỉnh lần 2 được Sở NN-PTNT thẩm định là chưa đúng thẩm quyền. Dự án phê duyệt cho phép khai thác đất nguyên thổ để đắp đê có khoảng cách tối thiểu từ chân đê tới khoang đào 10m là vi phạm quy định về khoảng cách bảo vệ đê (theo quy định khoảng cách từ chân để trở ra 25m) nên có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định của tuyến đê. Thiết kế cơ sở chọn hệ số đầm chặt K = 0,85 (quy định độ đầm chặt K > 0,92) là chưa tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển ban hành theo quyết định 1613 ngày 9-7-2012 của Bộ NN-PTNT.
Yếu tố này làm giảm yêu cầu kỹ thuật về chất lượng thân đê. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 kiến nghị xử lý tài chính trên 90 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán trên 88 tỷ đồng.