Theo Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, cua bệnh chết nhiều trong giai đoạn hiện nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỷ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.
Bên cạnh đó, vi khuẩn V.parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao cũng là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường. Qua phân tích mô học, không phát hiện tác nhân gây bệnh khác qua mẫu được phân tích.
Qua kết quả xác định nguyên nhân, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh. Không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, xử lý bùn đáy vuông để tránh mầm bệnh tồn lưu dưới đáy vuông nuôi, phơi nắng từ 3 đến 5 ngày và dùng vôi nóng xử lý.
Cua biển là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm của người dân chết bất thường gây nhiều thiệt hại và lo lắng cho người dân. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm tra, khắc phục.