Cà Mau: Vận hành hệ thống thuỷ lợi phục vụ tốt cho sản xuất, ngăn triều cường

Những tháng cuối năm, vào thời điểm rằm và cuối tháng, triều cường có xu hướng dâng cao vì vậy nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị ngập, làm diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng, việc đi lại, học hành của học sinh cũng gặp nhiều khó khăn.

Cong rạch rang 1.jpg
Tuỳ vùng sản xuất, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi vận hành hệ thống cống thuỷ lợi phù hợp

Liên quan đến công tác vận hành hệ thống thuỷ lợi, ngày 27-11, ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, cho biết, hiện trung tâm phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng thuỷ văn Cà Mau và chính quyền địa phương để lên phương án vận hành các cống thuỷ lợi vào thời gian thích hợp nhất nhằm hạn chế triều cường, giảm tác động đến nuôi trồng thuỷ sản của người dân.

z6048030933150_a66ee43587c8c998647d16642f959de5.jpg
Triều cường dâng cao làm ngập Trường THCS Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

Hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 23 tiểu vùng (18 nam Cà Mau, 5 bắc Cà Mau). Trong đó, tiểu vùng 2 và 3 (bắc Cà Mau, vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và U Minh) đã được đầu tư khép kín. Vì vậy, để bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, hạn chế sụt lún nên các cống thuỷ lợi 2 tiểu vùng này đã đóng.

Còn tiểu vùng 2, 3 và 5 (bắc Cà Mau) cũng đã đóng phục vụ sản xuất vụ lúa - tôm. Do chủ động được trong sản xuất nên diện tích lúa tôm các tiểu vùng này ngày được mở rộng, hiệu quả sản xuất cũng ngày càng cao. Còn tiểu vùng 10 (một phần huyện Cái Nước và Phú Tân) đã đầu tư khép kín nên ít bị tác động bởi triều cường. Tiểu vùng 15, 17 và 18 (tập trung trên địa bàn huyện Đầm Dơi) chưa đầu tư khép kín nên khi vận hành vừa ngăn triều cường, vừa ngăn phù sa gây bồi lắng hệ thống kênh mương và vuông tôm của người dân. Riêng những tiểu vùng chưa được đầu tư cống thuỷ lợi thì thường bị ngập khi triều cường dâng cao.

Hiện Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đang quản lý, khai thác 124 cống thuỷ lợi và 7 trạm bơm. Hàng năm, công tác duy tu, sửa chữa luôn được quan tâm. “Muốn phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi cần đầu tư đồng bộ và khép kín. Do các tiểu vùng nhiều địa bàn khác nhau và hình thức sản xuất cũng khác. Vì vậy, chúng tôi vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của địa phương, phát huy tốt nhất các công trình đã đầu tư”, ông Nam thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục