Ông Nguyễn Hoàng Anh (một trong các tiểu thương bị ảnh hưởng trong vụ cháy), cho biết, mặt hàng quần áo may sẵn trong năm chỉ bán được nhất là mùa Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bao nhiêu hàng hóa nhập về thì đã bị cháy rụi.
“Sau khi chợ cháy, tôi muốn trụ lại bán đến tết nhằm gỡ gạc lại một phần tổn thất do vụ cháy gây ra. Tuy nhiên, UBND thị trấn Sông Đốc không cho. Vì vậy, tôi và các hộ dân làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng xin được bán đến ngày 31-12-2019, sau đó chúng tôi sẽ tự động di dời”, ông Hoàng Anh nói.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết vụ cháy xảy ra tối ngày 26-10, làm thiệt hại 16 quầy bán hàng của 10 hộ dân, ước tính thiệt hại trên 2,2 tỷ đồng.
Cũng theo ông Cảnh, vào năm 2014, UBND thị trấn Sông Đốc xin chủ trương và được huyện đồng ý cho thực hiện khu chợ tạm, diện tích trên 2.340m2. Sau đó, UBND thị trấn giao lại cho ông Lê Thanh Tiền thuê trong thời gian 5 năm, đến tháng 5-2019 là hết hợp đồng. Sau khi thuê, ông Tiền đã đầu tư xây dựng hạ tầng, sau đó cho các tiểu thương thuê lại để kinh doanh, với tổng số 29 quầy.
Khi hết thời hạn thuê, UBND thị trấn Sông Đốc đã chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi kêu gọi nhà đầu tư, UBND thị trấn Sông Đốc cho phép các hộ dân tiếp tục buôn bán, thu tiền thuê hàng tháng.
Sau vụ hỏa hoạn, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo dọn dẹp mặt bằng, thực hiện rào chắn lại và giao UBND thị trấn Sông Đốc chịu trách nhiệm quản lý. Còn về hoạt động của tiểu thương, cơ quan chức năng sẽ bố trí nơi khác, tại hai điểm chợ trên địa bàn cho người dân lựa chọn. Khi vào đây, các hộ được giảm giá thuê 6 tháng đầu tiên, sau đó tính theo giá mặt bằng chung. Còn những hộ trong khu vực chợ tạm không bị cháy thì tiếp tục duy trì buôn bán.
Về nguyện vọng của các hộ dân được ở lại buôn bán đến ngày 31-12-2019 thì di dời, ông Cảnh cho biết vượt thẩm quyền nên đã báo cáo về UBND huyện Trần Văn Thời xin ý kiến chỉ đạo. Lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời cho biết sẽ hội ý bốn thường trực rồi mới quyết định hướng xử lý.