Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) và có nhiều sáng kiến, đột phá như: thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thực hiện đề án thí điểm xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính” và đặc biệt là thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính (đi vào hoạt động đầu năm 2017).
Khi Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau đi vào hoạt động, tỉnh kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Và kết quả đạt được là rất quan trọng.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cho biết, khi trung tâm ra đời đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, họ có niềm tin tốt hơn vào cơ quan hành chính nhà nước. Thấy được hiệu quả, các tỉnh khác trong cả nước cũng đến tham quan, học hỏi mô hình Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. Khi lãnh đạo Trung ương đến khảo sát, tham quan cũng đánh giá cao sự đột phá của tỉnh.
Điểm sáng trong sáng kiến, đột phá trong CCHC nên chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Cụ thể, ngày 13-5-2020, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chỉ số CCHC của tỉnh Cà Mau đạt 79,64%, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 3 bậc so với năm 2018). Đây là năm thứ 2 liên tục, chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện vị trí xếp hạng.
Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau cũng thẳng thắn nhìn nhận CCHC vẫn còn những mặt hạn chế, vẫn còn 2 chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp hơn so với năm 2018. Cụ thể: chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành: nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh hoàn thành trễ hạn các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính: nguyên nhân chủ yếu là các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện chưa đúng quy định việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; vẫn còn trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hạn.
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Theo kết quả công bố của VCCI thì chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau năm 2019 đạt 64,1 điểm (tăng 2,37 điểm); xếp thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 4 hạng) so với năm 2018; xếp thứ 9/13 (tăng 4 bậc) so với các tỉnh ĐBSCL; nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên bảng đồ PCI cả nước.Mới đây, tại hội nghị tổng kết chương trình tổng thể CCHC, giải pháp cải thiện chỉ số CCHC, chỉ số PCI, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, đánh giá công tác CCHC thời gian qua có nhiều sáng kiến, đột phá. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thể hài lòng, chỉ số CCHC, chỉ số PCI dù có nâng lên nhưng vẫn còn chậm.
Định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Hải cho rằng, giải pháp trọng tâm là tập trung vào vấn đề con người, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu: với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm; năng động và đeo bám. Phải có cơ chế khách quan, thưởng, phạt rõ ràng.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ những rào cản nhằm tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số theo tinh thần 4.0; tạo độ mở thông thoáng, gần gũi với người dân, doanh nghiệp; từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Tập trung tuyền truyền pháp luật, cải cách hành chính cho người dân và doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp biết đồng hành với trong cải thiện chỉ số cách hành chính và chỉ số PCI.
Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Cà Mau xác định 1 trong 3 khâu đột phá là đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tuỵ, chuyên nghiệp.