Theo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, trên địa bàn hiện có 606 điểm lẻ từ mầm non đến THCS. Theo chỉ đạo chung của tỉnh là chỉ giữ lại những điểm trường lẻ khối mầm non và cấp tiểu học do quá xa điểm trường trung tâm và điều kiện giao thông đi lại quá khó khăn. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại trường lớp và giáo viên, cuối năm học 2017-2018, trên địa bàn đã tiến hành xóa 148 điểm lẻ. Điểm trường lẻ có số lớp ít nhất là 1 lớp với 5 em học sinh. Hầu hết các điểm lẻ không được quản lý chặt chẽ, có lớp học sĩ số 12 học sinh nhưng khi kiểm tra chỉ có mặt 7 học sinh.
Việc xóa điểm lẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ngành cũng lo lắng là khi xóa điểm lẻ dẫn đến nhiều học sinh đi lại khó khăn sẽ bỏ học. Qua rà soát, Cà Mau có hàng chục điểm lẻ phải xóa vì ít lớp và ít học sinh. Tuy nhiên, không phải việc xóa điểm lẻ nào cũng nhận được sự đồng tình của phụ huynh.
Khi có chủ trương, Trường Tiểu học Biên Bạch Đông sẽ xóa điểm lẻ ấp Lê Giáo (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) thì nhiều phụ huynh không đồng ý. Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) bức xúc: “Nhà tôi có 2 đứa con và 6 đứa cháu học tại điểm trường này. Do khu vực tôi ở trong bờ bao lâm phần rừng tràm chưa có đường giao thông. Nếu xóa điểm trường này thì phải đi xa đến 5km, như vậy rất khó khăn. Tôi và nhiều phụ huynh trong khu vực đã làm đơn yêu cầu xin giữ lại điểm trường ấp Lê Giáo”.
Khi xóa điểm trường ấp Lê Giáo nhiều phụ huynh chưa đồng thuận. Ảnh: TẤN THÁI
Khi xóa điểm lẻ không chỉ gây lo lắng cho các phụ huynh mà còn chính các giáo viên “phận” hợp đồng. Khi được hỏi về viễn cảnh sắp tới, một giáo viên lo âu: “Tôi thuộc diện giáo viên hợp đồng và được phân công dạy tại điểm trường lẻ đã hơn ba năm. Vì vậy, khi điểm trường này bị xóa thì tôi không biết có được bố trí dạy tại điểm chính hay thuộc diện dôi dư. Khả năng bị chấm dứt hợp đồng là rất cao”.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, tổng biên chế được giao đối với ngành giáo dục trên địa bàn là 15.215 vị trí việc làm. Tuy nhiên, biên chế hiện có là 14.893. Do đó, biên chế hiện có thấp hơn biên chế được giao 322 vị trí (so với Thông tư 06 và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT thì thiếu đến 1.908 vị trí); số lượng giáo viên hợp đồng trên địa bàn là 1.405 giáo viên. Đây là số lượng giáo viên do các địa phương, các trường tự hợp đồng, chưa được sự đồng ý của tỉnh.
Cũng theo ông Luân, thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là số lượng giáo viên hợp đồng phải cắt trước ngày 1-9. “Nếu như hiệu trưởng trường nào để lại thì phải bỏ tiền túi ra trả lương. Đồng thời, số lượng giáo viên còn thiếu thì xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh cho hợp đồng lại. Như vậy, có những giáo viên có thể vừa bị cắt nhưng sẽ được tiếp nhận lại”, ông Luân nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi gặp gỡ báo chí gần đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Do trước đây giao thông chưa phát triển, trong khi đó hệ thống kênh rạch chằn chịt nên việc đưa con em đến trường gặp khó khăn. Vì vậy, tỉnh chủ chương xây dựng các điểm lẻ, tạo điều kiện thuận lợi để huy động con em đến trường. Đến thời điểm hiện tại, giao thông nông thôn đã phát triển nên học sinh đến trường thuận lợi hơn trước. Do đó, cần phải giảm các điểm trường lẻ.
Về việc sắp xếp lại trường lớp, đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: Sau khi xác định cụ thể số biên chế của từng trường, tiến hành điều chuyển, sắp xếp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để chuyển giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở thừa xuống cấp học mầm non giảng dạy; giải quyết chính sách đối với những người lớn tuổi, dôi dư hoặc không đáp ứng được yêu cầu.