Lâm phần khởi sắc
Trở lại khu vực lâm phần U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy đã thay đổi nhiều, nhà cửa và đời sống của người dân đã khấm khá hơn trước. Trong các lâm phần, đường xá cũng được quan tâm đầu tư, vì thế phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển lâm sản, nông sản của người dân.
Nếu như nhiều năm trước, xã Khánh Thuận (huyện U Minh) là một trong những “túi nghèo”, có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Cà Mau thì bây giờ Khánh Thuận đã chuyển mình và có nhiều thay đổi, nhất là đời sống của người dân trong lâm phần.
Ông Hồ Tương Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận chia sẻ: Một trong những nguyên nhân giúp đời sống của người dân Khánh Thuận có nhiều thay đổi là kinh tế rừng những năm gần đầy có nhiều chuyển biến. Hiện các khu vực lâm phần trên địa bàn xã, hầu hết người dân không còn cảnh để đất trống, mà được tận dụng lên liếp trồng rừng thâm canh.
Dù hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá gỗ có giảm và tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, còn về lâu dài thì kinh tế rừng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Hiện ngoài việc xác định gỗ là ngành hàng chủ lực, người dân còn sử dụng diện tích đất trống bờ bao để trồng hoa màu, cây ăn trái và tận dụng kênh mương để nuôi cá đồng. Thu nhập từ sản xuất kết hợp dưới tán rừng khá cao, lấy ngắn nuôi dài, cuộc sống từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…
“Do đời sống được nâng lên nên hộ nghèo của xã ngày càng giảm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã là 3,4%, tương đương với 100 hộ. Mặc dù nghị quyết của xã đề ra đến năm 2025 xã Khánh Thuận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng với những tiền đề hiện có chúng tôi phấn đấu cuối năm 2022, đưa Khánh Thuận về đích nông thôn mới”, ông Hồ Tương Lai thông tin.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nếu như thời điểm từ năm 2013 trở về trước, rừng đến tuổi khai thác chủ yếu là tràm quảng canh (trên 10 tuổi) có trữ lượng trung bình đạt 80m3/ha; thì đến năm 2020 sản phẩm khai thác rừng đa dạng hơn (keo lai, tràm bản địa, tràm Úc), với trử lượng trung bình khi khai thác đạt từ 150m3 – 250m3/ha (keo lai khoảng 5 năm khai thác, tràm Úc khoảng 3-5 năm khai thác, tràm bản địa khoảng 6 năm khai thác); giá bán từ 130 đến 200 triệu đồng/ha. Do giá trị thu nhập trên 1 ha đất rừng sản xuất tăng mạnh (tăng 2-3 lần so với năm 2013) nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế khu vực rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng ngày càng cao và phát triển bền vững hơn.
Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn như việc tổ chức lại sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm còn ít và thiếu bền vững; lâm sản chủ yếu bán cây đứng tại rừng. Giá trị gia tăng của ngành hàng còn thấp do chưa có nhà máy chế biến sản phẩm, phụ phẩm chuyên sâu.
Diện tích đất lâm nghiệp đã giao khoán cho các hộ dân với quy mô nhỏ tạo nên diện tích rừng nhỏ lẻ không tập trung. Đây là trở ngại cho xu thế liên kết theo hướng nâng cao hiệu qủa sử dụng đất lâm nghiệp. Việc liên kết theo chuỗi giá trị còn ít, các mối liên kết hình thành và phát triển còn khó khăn và chưa bền vững.
Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn còn chậm, do địa phương chưa có mô hình trình diễn thành công để tham quan học tập, thiếu sự vào cuộc của các doanh nghiệp (doanh nghiệp lâm nghiệp quản lý rừng, doanh nghiệp chế biến).
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng thông tin, trong định hướng phát triển rừng của công ty thời gian tới là giảm dần tỷ lệ trồng rừng gỗ có đường kính nhỏ, tăng dần tỷ lệ sản phẩm gỗ có đường kính lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao.
“Tuy nhiên, cái khó là vùng đất vùng U Minh Hạ khá thấp. Vì vậy, việc chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn gặp khó. Do đó, muốn trồng rừng gỗ lớn thì phải kê liếp lại. Thêm nữa, cây keo lai dễ bị gãy đổ khi gặp giông lốc, gió lớn. Vì vậy, trồng rừng gỗ lớn cũng đối diện với nhiều rủi ro bởi yếu tố thời tiết”, ông Phước giải thích.
Phát triển bền vững
Nói về giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vừng kinh tế rừng trong thời gian tới, ông Trần Văn Thức cho biết, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Cà Mau hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính và khoa học công nghệ, tham gia vào tái cơ cấu cá công ty lâm nghiệp; xây dựng nhà máy chế biến sâu, đáp ứng vùng nguyên liệu của tỉnh Cà Mau.
Phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn có năng suất và chất lượng cao, với sự tham gia của các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu qủa kinh tế tổng hợp trên đơn vị diện tích đầt rừng, chú trọng phát triển lâm nghiệp đa mục đích (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ), nông lâm kết hợp.
Đối với rừng sản xuất khu vực U Minh Hạ tập trung chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng trồng từ rừng truyền thống sang trồng rừng thâm canh, diện tích rừng gỗ lớn chiếm khoảng 10% diện tích trồng rừng mới vào năm 2025.
Đối với khu vực rừng ngập mặn gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình "trồng rừng và nuôi tôm" bễn vững, theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích khoảng 38.000ha; nghiên cứu các giải pháp chế biến gỗ đước, chế biến than chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở các Vườn quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Thành lập Ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, do ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Theo đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan xây dựng và tố chức thực hiện kế hoạch, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp; phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triến giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng...