Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định 280.000ha (siêu thâm canh 8.000ha; thâm canh, bán thâm canh 1.700ha; quảng canh cải tiến 240.000ha; quảng canh 30.300ha; diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000ha); tổng sản lượng tôm nuôi 350.000 tấn. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách 4.050 tỷ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế khác 15.950 tỷ đồng); giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,65 tỷ USD.
Đến năm 2050, ngành tôm của tỉnh Cà Mau phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm từ tôm nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngành tôm tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn của vùng ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm đạt trên 1 tỷ USD.