Theo ông Nguyễn Tiến Hải đây là những công trình, phần việc mang tính khẩn cấp, cấp bách, bảo vệ đời sống và sản xuất cũng như hệ sinh thái rộng lớn phía trong đê.
Đối với những khu vực sạt lở nằm sát chân đê nhưng đai rừng còn mỏng, thậm chí không còn đai rừng phòng hộ và phía bên ngoài chưa có triển khai các giải pháp công trình, ông Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất các phương án về vốn để tới đây có giải pháp bảo vệ khẩn cấp, tuyệt đối không để sạt lở gây vỡ đê, góp phần bảo vệ kịp thời tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, hiện nhiều đoạn đê biển Tây bị sạt lở, có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào. Trong đó, có 2 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm là đoạn giữa cống Đá Bạc – Kênh Mới, chiều dài 850m và đoạn bờ Bắc, bờ Nam cống Kênh Mới, chiều dài 765m.
Ngoài ra, còn có 5 đoạn sạt lở nguy hiểm, gồm: đoạn kè ly tâm từ Đá Bạc - Kênh Mới với chiều dài 1.186m; đoạn bờ Bắc cống Ba Tĩnh, chiều dài 230m; đoạn bờ Nam T25, chiều dài 500m; đoạn bờ Bắc, bờ Nam Tiểu Dừa, chiều dài 550m; đoạn bờ Bắc T25, chiều dài 700m.