Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Lao và phổi tỉnh Cà Mau là một trong những công trình cấp thiết, phục vụ nhu cầu khám và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, năm 2020, công trình được bố trí nguồn vốn khá lớn (trên 66 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 46 tỷ đồng) để thực hiện. Hiện nay, dự án đang triển khai các gói thầu số 11 (san lấp mặt bằng, cổng hàng rào, nhà bảo vệ) và gói thầu số 16 (khoa dinh dưỡng, vật tư - thiết bị y tế, nhiễm khuẩn; khu hành chính quản trị…).
Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng tỉnh Cà Mau Trần Lĩnh Trang cho biết, các nhà thầu đang tập trung thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên tiến độ thi công chậm so với kế hoạch. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau mới bàn giao được một phần diện tích, nhưng vì mặt bằng chắp vá nên gặp khó trong việc triển khai thi công các hạng mục, công trình dự án.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng kè tại xã Tân Thuận (huyện Dầm Dơi) dù rất cấp bách nhưng vẫn làm chậm. Ngay từ đầu năm 2020, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công với các nhà thầu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng. Hiện các nhà thầu đang triển khai đúc các cấu kiện bê tông sẵn tại xưởng, chờ có mặt bằng thì triển khai thi công ngay. Ngoài ra, còn hàng loạt dự án khác cũng chậm tiến độ do khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể như, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính Đông - Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ quốc lộ 1 đến cửa biển Gành Hào) và cầu qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn), dự án cầu qua sông Tắc Thủ (TP Cà Mau), dự án cầu qua sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội (huyện U Minh), dự án hệ thống thủy lợi Tiểu vùng II, III, V (Nam Cà Mau), dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số địa phương, nhiều công trình chậm tiến độ chưa phải nguyên nhân chính là mặt bằng. Có những công trình do năng lực nhà thầu hạn chế dẫn đến thi công chậm, phải gia hạn.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau Trương Đăng Khoa, bên cạnh những dự án giải ngân thấp do gặp khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng thì nguyên nhân còn do một số chủ đầu tư, địa phương, chưa thật sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả… Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, dịch Covid-19 và hạn hán trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt đã ảnh hưởng một phần đến tiến độ thi công công trình do thiếu hụt nhân công, vận chuyển vật liệu xây dựng bằng đường thủy gặp khó khăn; giãn cách xã hội khiến việc phối hợp, trao đổi công việc giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn (ngoài tỉnh) bị gián đoạn…
Thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công rất được lãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù năm nay tỷ lệ giải ngân có khá hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng đạt thấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước thực tế trên, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện báo cáo hàng tuần và nếu trong 2 tuần mà dự án nào không chuyển biến trong giải ngân thì cần có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư. “Ai lơ là, thiếu trách nhiệm, đề nghị xử lý theo thẩm quyền, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ cuối năm. Chậm giải ngân, không những cắt vốn mà còn bị kiểm điểm trách nhiệm”, ông Hải chỉ đạo.